Cuối tuần qua, Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS đã tiếp tục họp lấy ý kiến vào Dự thảo. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp – Phó Ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp.
Nội dung quan trọng nhất tại cuộc họp nói trên là vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với bao nhiêu tội và đó là những tội nào. Hiện nay, theo Tổ biên tập, lần sửa đổi bổ sung này sẽ đề xuất bỏ tử hình đối với 12 tội phạm cụ thể. Đó là các tội: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197); tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322); tội phá hoại vũ khi quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
Theo ông Nguyễn Công Hồng, Vụ phó Vụ Hành chính hình sự, Tổ phó Tổ biên tập thì việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình được cân nhắc trên ba tiêu trí cơ bản, đó là: tính chất nghiêm trọng của tội phạm, khả năng trấn áp tội phạm và phù hợp với xu hướng trên thế giới đang thu hẹp và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Đưa ra 12 tội danh nêu trên, Tổ biên tập cũng đã tính toán đến các vấn đề này.
Thống nhất cao về hạn chế phạm vi áp dụng của hình phạt tử hình, tuy nhiên lại có nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ tử hình đối với tội phạm nào. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đồng ý với 9 tội danh như dự thảo, nhưng đối với 3 tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; và tội đầu hàng địch thì Thứ trưởng Tiệm cho rằng không nên bỏ tử hình mà thay vào đó là 4 tội: tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ (Điều 221); và các tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh (các Điều 341, 342, 343)
Đến thời điểm họp Ban soạn thảo cuối tuần qua, Tổ biên tập đã tiếp thu bỏ tử hình với tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ (nâng con số bỏ tử hình lên 13 tội) . Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên lại tỏ ra băn khoăn: bỏ tử hình với tội này là “cứu” được một vài người nhưng hành vi chiếm đoạt máy bay tàu thuỷ có thể gây ra hậu quả là hàng trăm người thiệt mạng. Như vậy thì có nên bỏ tử hình hay không?
Về việc bỏ tử hình đối với tội nhận hối lộ và tham ô tài sản, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, ông Duong Ngoc Ngưu đặt vấn đề: trong giai đoạn Đảng, nhà nước ta đang đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, những tội này nhằm vào những người có chức quyền trong các cơ quan nhà nước thì có nên bỏ tử hình trong thời điểm này?
Về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, mà phần lớn các đại biểu cho rằng không nên bỏ tử hình với tội này, vì các hành vi này có thể gây thiệt hại về tính mạng cho số đông (nhất là sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh) và gây hiệu ứng về mặt xã hội rất lớn.
Bên cạnh việc tranh luận nên bỏ tử hình với tội phạm nào, có ý kiến trong Ban soạn thảo còn đề nghị bỏ hình phạt tử hình với nhiều tội phạm hơn nữa vì nếu bỏ 13 tội, thì vẫn còn đến 16 tội phạm khác được quy định trong BLHS, như vậy vẫn là nhiều.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên lưu ý: liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình, hiện Bộ Công an đang xây dựng Đề án về vấn đề này. Một mặt Ban soạn thảo vẫn chủ động đưa ra các phương án, phương án nào được sự nhất trí cao thì sẽ quyết, một mặt cũng sẽ chờ Đề án của Bộ Công an và cuối cùng chốt lại vấn đề này sẽ do Bộ Chính trị quyết định.
Bình An (Thu Hằng – Nội chính)
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện hành vi phạm tội một cách dã man, tàn bạo, mất nhân tính hoặc là mối đe doạ nghiêm trọng cho cộng đồng, cho an ninh quốc gia. (Điều 35 Dự thảo sửa đổi một số điều của BLHS) |