IFC và Bộ Tư pháp ký kết Thỏa thuận hợp tác để triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn II

04/08/2008
Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2008 – IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp để phát triển thị trường tài chính của Việt Nam thông qua cải tiến chất lượng của các khoản vay có bảo đảm. Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác này là mốc đánh dấu việc khởi động Giai đoạn 2 của Dự án hỗ trợ hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam và hỗ trợ việc mua, cài đặt và quản lý hệ thống đăng ký điện tử thông qua mạng đầu tiên của Việt Nam (Dự án bắt đầu từ tháng 8/2008 đến hết tháng 12/2009).
Tính không ổn định khi tiếp cận tín dụng hiện nay vẫn còn là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Việc cho vay chủ yếu vẫn dựa vào tài sản thế chấp và các doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế tiếp cận với vốn vay tín dụng, vì họ không thể dùng nhiều loại động sản của mình như trang thiết bị, các khoản phải thu, hàng tồn kho thành các tài sản thế chấp để vay vốn. IFC đã thông qua bộ phận tư vấn của mình - chương trình phát triển kinh tế tư nhân (IFC- MPDF), hỗ trợ chính phủ Việt Nam mở rộng phạm vi các loại tài sản có thể sử dụng như là tài sản thế chấp và đơn giản hóa các thủ tục tạo ra những lợi ích được bảo đảm. Bên cạnh đó IFC- MPDF còn hỗ trợ Bộ Tư pháp thiết lập hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm đơn giản và hiện đại.
 
Bà Margarete O. Biallas, Giám đốc chương trình Phát triển thị trường tài chính cho rằng, “Chúng tôi rất vui được tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho NRAST và Bộ Tư pháp để xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu vay của các phân mảng thị trường khác nhau tại Việt Nam. Cải cách về pháp lý sẽ mở ra cơ hội cho các khoản vay thế chấp đi đôi với một hệ thống đăng ký hiệu quả này sẽ nâng cao chất lượng của thông tin và đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”.
 
Trong giai đoạn 1 của dự án, IFC MPDF đã phân tích môi trường cho vay thông qua cuộc khảo sát xây dựng dữ liệu cơ sở trong ngành tài chính trên phạm vi toàn quốc. Những phát hiện tìm thấy trong cuộc khảo sát này đã giúp cho Bộ Tư pháp hiểu thêm về những quan ngại của các tổ chức cho vay của Việt Nam cũng như những vấn đề mà khối tư nhân gặp phải khi tiếp cận nguồn tín dụng. Một cuộc khảo sát thứ hai sẽ được tiến hành vào cuối giai đoạn 2 của Dự án để đánh giá những ảnh hưởng của hỗ trợ cải cách khung pháp lý và quy trình đăng ký mà dự án đã đem lại. Cuộc khảo sát này cũng sẽ xác định những giá trị gia tăng mà hệ thống đăng ký điện tử qua mạng đem lại để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Những phát hiện tìm thấy trong cuộc khảo sát vào cuối giai đoạn 2 của dự án sẽ được sử dụng để đánh giá tính có hiệu lực của những cải cách khung pháp lý và khung thể chế và sẽ được coi là cơ sở đưa ra những đề xuất để cải tiến hơn nữa.
 
Bà Nguyễn Thúy Hiền - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm-đơn vị thụ hưởng các lợi ích của Dự án trong giai đoạn 1 và 2 cho rằng: “Việc triển khai Dự án có ý nghĩa quan trọng, đó là một nguồn lực góp phần giúp Cục Đăng ký thực hiện nhiệm vụ giúp Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm và tổ chức thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này. Các hoạt động của Dự án sẽ góp phần sớm cho ra đời một Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đại vào bậc nhất tại khu vực Đông Nam á, để đáp ứng một cách thuận lợi nhất các yêu cầu đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức. Từ đó, sẽ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng sẽ nhanh chóng và giảm chi phí”.
 
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm