Tọa đàm về mô hình và kinh nghiệm các nước trong tổ chức ngành Tư pháp

30/07/2008
Sau buổi tọa đàm hồi đầu tháng 7, ngày 30/7, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức một cuộc hội thảo về mô hình và kinh nghiệm của một số nước trong tổ chức ngành Tư pháp nhằm phục vụ cho Đề tài “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hóa” do Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm Chủ nhiệm. Lần này, tham luận của các đại biểu tập trung vào nghiên cứu các quốc gia theo hệ thống civil law và các nước có nền kinh tế chuyển đổi.

Theo ThS. Cao Xuân Phong, Bộ Tư pháp của các nước theo hệ thống civil law như Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Thái Lan đóng vai trò tương đối quan trọng trong hệ thống tư pháp. Ở các quốc gia này, Bộ Tư pháp đều được trao chức năng quản lý nhà nước các hoạt động tư pháp, quản lý các toà án về mặt tổ chức và quản lý thi hành án. Theo đó, nội hàm của việc quản lý nhà nước chủ yếu là công tác nhân sự, các tiêu chuẩn, chế độ, điều kiện và phương tiện hoạt động. Còn quản lý toà án về tổ chức có thể hiểu là sự tham gia vào các quy trình nhân sự (đặc biệt là thẩm phán) và cung cấp kinh phí, điều kiện làm việc cần thiết cho các toà án. Riêng chức năng quản lý thi hành án, Bộ Tư pháp các nước trên thường chỉ quản lý các cơ sở thực hiện việc thi hành các bản án hình sự hạn chế quyền tự do gồm nhà tù, trại cải tạo, trại giáo dưỡng…

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp của mỗi nước lại có những khác biệt nhất định. Ngoại trừ Thái Lan, mức độ tham gia vào công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp mỗi nước là không giống nhau. Trong khi Bộ Tư pháp Nhật Bản và Pháp không có chức năng thẩm định dự thảo văn bản luật thì Bộ Tư pháp Đức có cả 2 chức năng xây dựng và thẩm định. Riêng Bộ Tư pháp Thuỵ Điển còn có cả một đơn vị chuyên trách về thẩm định văn bản là Vụ thẩm tra tính pháp lý và ngôn ngữ của các dự thảo. Đối với quản lý thi hành án dân sự, Pháp có chế định thừa phát lại (là những người hành nghề tự do, thu nhập phụ thuộc vào dịch vụ cung cấp cho các bên), chấp hành viên ở Đức và Nhật Bản lại là các công chức hưởng lương và một phần thù lao từ công việc thi hành án, Thuỵ Điển đặt cơ quan thi hành án cấp TƯ tại Bộ Tài chính, ở Thái Lan thì chấp hành viên và lục sự đều là những cá nhân có liên quan tới công tác thi hành án. Đáng chú ý, Bộ Tư pháp Pháp, Đức, Thuỵ Điển có chức năng tư vấn cho Chính phủ. Không những thế, CHLB Đức và Nhật Bản còn giao cho Bộ Tư pháp nước mình chức năng đại diện về mặt pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp dân sự.

ThS. Đỗ Thị Ngọc cho biết, Liên bang Nga và Trung Quốc - những nước thuộc hệ thống XHCN trước đây và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là những đại diện tiêu biểu cho các nước có nền kinh tế chuyển đổi (Việt Nam cũng nằm trong số các nước này). Trung tâm của hệ thống tư pháp các nền kinh tế chuyển đổi là toà án. Ngoài ra, có một số cơ quan khác vừa mang tính chất hành pháp vừa mang tính chất tư pháp như Viện Kiểm sát, có cơ quan hành pháp thực hiện một số chức năng tư pháp như Bộ Tư pháp. Các quốc gia trên đã từng không coi trọng vai trò, vị trí của các cơ quan Tư pháp. Đó là giải thể Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát trong những thời điểm nhất định. Liên quan cụ thể đến chức năng Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp 3 nước đều có chức năng của lập pháp và hành pháp. Đặc biệt, Bộ Tư pháp Nga được giao thêm chức năng đăng ký quốc gia văn bản quy phạm pháp luật và các Điều ước quốc tế. Trong vấn đề quản lý thi hành án, Nga thực hiện quản lý cả hoạt động thi hành án dân sự và hình sự, Trung Quốc quản lý thi hành án hình sự và Việt Nam quản lý thi hành án dân sự.

Qua so sánh, đối chiếu với cơ cấu tổ chức, quyền hạn của Bộ Tư pháp các nước nói trên, có thể thấy có khá nhiều điểm tương đồng với Bộ Tư pháp Việt Nam. Nhưng, Bộ Tư pháp nước ta vấp phải một số vướng mắc trong quá trình thực hiện các chức năng của mình. Chẳng hạn, Việt Nam không có một đơn vị độc lập chuyên trách công tác thẩm định, chức năng tư vấn cho Chính phủ của Bộ chưa được chính thức quy định trong các VBQPPL

Về quản lý thi hành án và quản lý hệ thống toà án, cả ông Phong và TS. Nguyễn Thị Ánh Vân đồng tình nên quy công tác thi hành các loại bản án của toà án vào một đầu mối, đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp và cũng như nhiều nước trên thế giới, Bộ Tư pháp sẽ chỉ quản lý các toà án về mặt tổ chức mà không can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn của toà án. Tuy nhiên, khác với bà Vân, ông Phong cho rằng, căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, có lẽ chưa nên đặt vấn đề để Bộ đại diện về mặt pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp dân sự. Chúng ta có thể học mô hình của Thái Lan là giao nhiệm vụ này cho pháp chế bộ ngành (lo về chuyên môn, nội dung đại diện) phối hợp với Viện Kiểm sát (lo về tố tụng) cùng thực hiện. Ông Phong cũng nhận xét, trong bối cảnh hiện nay, nếu chuyển giao đồng thời cho Bộ Tư pháp thực hiện quản lý công tố sẽ là một bước ngoặt trong tiến trình cải cách tư pháp song sẽ khiến cho công việc bị xáo trộn, gây khó khăn hơn cho công tác quản lý. Vì vậy, giải pháp hợp lý trước mắt vẫn là xây dựng hệ thống cơ quan công tố trực thuộc Chính phủ.

Hoàng Thư