Trong thời kỳ hội nhập, các qui định của pháp luật quốc tế, cụ thể là các điều ước quốc tế (ĐƯQT) có vai trò không nhỏ trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì thế, công tác góp ý, thẩm định các dự thảo ĐƯQT và ĐƯQT ở nước ta được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên,còn rất nhiều vấn đề phải bàn về công việc phức tạp này..
Thẩm định ĐƯQT khá phức tạp
PGS.TS Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) – đánh giá, hoạt động thẩm định ĐƯQT là hoạt động chuyên môn khá phức tạp, có nhiều điểm đặc thù so với các hoạt động thẩm định VBQPPL nói chung. Trước tiên, hoạt động này bao gồm việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của ĐƯQT nhằm bảo đảm tính hợp hiến, mức độ tương thích của ĐƯQT với các quy định của pháp luật Việt Nam; xem xét, đánh giá về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT tại Việt Nam; phân tích và đưa ra kết luận về các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL để thực hiện ĐƯQT.
Bên cạnh đó, các văn bản dự thảo ĐƯQT thường có nội dung không giống nhau, mức độ phức tạp khác nhau, thuộc các lĩnh vực rất khác nhau, có vấn đề đã rõ, có quy định tương tự trong các VBQPPL của nước ta, nhưng cũng có vấn đề không hề có trong pháp luật Việt Nam hoặc có quy định nhưng lại chưa rõ, chưa đủ; có những nội dung lại thuộc loại vấn đề có độ nhạy cảm cao, thuộc lĩnh vực mật... Nhiều trường hợp, dự thảo ĐƯQT được gửi đến chỉ có bản bằng tiếng nước ngoài không có kèm theo bản dịch ra tiếng Việt hoặc được dịch không chuẩn xác; hoặc dự thảo ĐƯQTợc gửi đến để góp ý, thẩm định trong một thời gian ngắn...
Mặc dù đã có Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT và Quy chế thẩm định ĐƯQT nhưng vấn đề góp ý, thẩm định ĐƯQT vẫn rất khó khăn khi thực tế vẫn còn nhiều trường hợp hồ sơ đề nghị góp ý, thẩm định ĐƯQT không làm đúng quy định. Thời hạn góp ý, thẩm định các văn bản dự thảo ĐƯQT nhìn chung là quá ngắn so với yêu cầu chất lượng công tác góp ý, thẩm định đặt ra nên cũng không thể có được các giải pháp như mong muốn. Bên cạnh đó, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trong Bộ nhìn chung còn yếu, chưa thường xuyên; kinh phí hỗ trợ cho công tác góp ý, thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL, ĐƯQT đang là vấn đề cấp bách...
Chuyên gia thẩm định phải có chuyên môn sâu
Độ phức tạp của công việc góp ý, thẩm định dự thảo ĐƯQT và ĐƯQT đặt ra yêu cầu khá cao đối với chuyên gia làm công tác thẩm định là phải nắm vững khá kỹ càng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, các quan điểm, đường lối, chủ trương đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến những vấn đề cần thẩm định để từ đó mới kết luận được vấn đề đặt ra; đồng thời phải có quan hệ mật thiết với các Bộ, ngành, các cơ quan khác của Chính phủ, Quốc hội để có các ý kiến tư vấn đúng về các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL để thực hiện ĐƯQT.
Theo ông Hiệp, chất lượng nội dung góp ý, thẩm định trong nhiều trường hợp còn bị hạn chế do các hoàn cảnh và lý do khác nhau. Trước tiên, có thể nói đến trình độ chuyên môn của cán bộ chịu trách nhiệm nghiên cứu góp ý, thẩm định ĐƯQT. Hiện nay, chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, tư pháp quốc tế, thương mại quốc tế... nói chung và của Bộ Tư pháp nói riêng còn quá ít, trình độ nghiệp vụ không đồng đều, chưa đáp ứng dược yêu cầu của công việc. Đó có thể xuất phát từ chương trình đào tạo khi một thời kỳ dài phần pháp luật về kinh tế, thương mại quốc tế, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế ...ít được quan tâm. Ngoài ra, có những ĐƯQT, Bộ Tư pháp không được tham gia đàm phán, không được chuyên gia am hiểu vấn đề giải trình cụ thể nhưng vẫn phải làm góp ý, thẩm định trong thời hạn đã được quy định...
Phải chấn chỉnh hoạt động góp ý, thẩm định
Chất lượng góp ý, thẩm định dự thảo ĐƯQT và ĐƯQT có đạt yêu cầu hay không cần một nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tác động của ĐƯQT lên toàn bộ hệ thống pháp luật trong nước, lên quá trình thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ông Hiệp cho rằng, cần xử lý đúng mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp - Cơ quan chủ trì thẩm định văn bản - Văn phòng Chính phủ theo hướng tăng cường bảo đảm giá trị đích thực của ý kiến góp ý, thẩm định của Bộ Tư pháp, loại bỏ tình trạng “trốn sự góp ý, thẩm định tại Bộ Tư pháp”, “chạy theo lệ của Văn phòng”, sớm chấn chỉnh toàn bộ hoạt động góp ý, thẩm định ĐƯQT theo quy định của pháp luật. Và cũng cần đến sự quan tâm chú ý đúng mức của các cấp, các ngành để nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định ĐƯQT.
Cuối cùng, như tất cả những lĩnh vực khác, để nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định ĐƯQT không thể quên yếu tố “con người”. Vì thế ông Hiệp đề nghị sớm tổ chức, sắp xếp lại lực lượng cán bộ làm công tác góp ý, thẩm định VBQPPL nói chung, văn bản ĐƯQT nói riêng theo hướng chuyên môn hoá và tập trung đầu mối chuyên ngành. Có chủ trương ưu tiên trong bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật quốc tế, pháp luật kinh tế, thương mại quốc tế, các kiến thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động góp ý, thẩm định của các chuyên gia làm công tác góp ý, thẩm định ĐƯQT./.
Huy Long
Quy chế Thẩm định ĐƯQT (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP (ngày 24/7/2006) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) đưa ra yêu cầu thẩm định các dự thảo ĐƯQT nhân danh Nhà nước và Chính phủ theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT. Quy chế này cũng áp dụng đối với việc thẩm định các ĐƯQT mà Việt Nam gia nhập. Đây cũng là VBQPPL quan trọng, góp phần bảo đảm công tác thẩm định ĐƯQT, xử lý một số vấn đề do thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân dựa vào đó để góp ý ĐƯQT, hoàn thiện các phương án soạn thảo ĐƯQT trước khi đưa ra đàm phán hoặc dựa vào đó để đàm phán với các đối tác nước ngoài. Quy chế này gồm 22 điều, 3 chương quy định khá chi tiết trình tự, thủ tục thẩm định ĐƯQTvà các vấn đề liên quan đến hoạt động thẩm định ĐƯQT. |