Bộ Tư pháp tổ chức thảo luận về Đề án "Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế"

14/07/2008
Sáng 11/7/2008, Bộ Tư pháp tổ chức thảo luận về Đề án "Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010". Về phía Bộ Tư pháp, đ/c Vũ Văn Quý, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, đ/c Lê Hồng Sơn - Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, đ/c Hà Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và sự tham gia của đại diện các Công ty Luật Vilaf Hồng Đức, Công ty Luật Bizlinh, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh...

Tại buổi làm việc, Đề án được đánh gía là rất ý nghĩa đối với nền kinh tế đất nước nói chung, với đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp luật nói riêng. Tuy nhiên, để Đề án được khả thi và thật sự có ý nghĩa, đại diện các tổ chức hành nghề luật đã đưa ra các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề kinh phí hỗ trợ, nội dung chương trình đào tạo và vấn đề sau khi hoàn tất khoá đào tạo của các luật sư, chuyên gia pháp lý.

Theo Đề án đã được phê duyệt, ngân sách Nhà nước chỉ chi cho các công chức làm việc tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn các đối tượng khác phải tự trang trải kinh phí, nếu có nhu cầu, Chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện các Công ty Luật thì chính sách đó không khả thi bởi Đề án thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp luật trong nước, nếu để các tổ chức hoặc cá nhân tự trang trải kinh phí thì điều đó khiến các tổ chức, cá nhân đó phải suy nghĩ và cân nhắc. Đề án cũng chưa đề cập đến vai trò và lợi ích của các Công ty Luật sau khi cử các Luật sư tham gia khoá đào tạo.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, thực hành ở nước ngoài thế nào để phù hợp với đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật được cử đi đào tạo và hiệu quả phục vụ cho nền kinh tế hội nhập của nước ta. Và một vấn đề cần được cân nhắc là sau khi hoàn tất khóa đào tạo, các luật sư, chuyên gia pháp luật sẽ thực hiện nghĩa vụ như thế nào đối với Nhà nước, đơn vị cử đi học. Những ý kiến và những đề xuất của đại diện các tổ chức hành nghề Luật sư sẽ được đại diện Bộ Tư pháp ghi nhận và có kiến nghị lên các cấp lãnh đạo để Đề án thực sự hiệu quả và thiết thực.

Tổng hợp các ý kiến qua buổi thảo luận, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến các Bộ, Ngành và các tổ chức hành nghề luật sư để sớm hoàn thiện Công văn hướng dẫn chi tiết thực hiện Đề án.

Cao Thị Huyền Thương - Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp.