Nâng cao chất lượng xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trong kỷ nguyên số

10/01/2025
Nâng cao chất lượng xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trong kỷ nguyên số
Sáng ngày 10/01, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (CSDLQG về PL) trong bối cảnh kỷ nguyên số, chuyển đổi số.
Chủ trì Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - Hoàng Xuân Hoan; ông Chinone Koichi - Cố vấn trưởng đại diện Dự án JICA tại Việt Nam và ông Onishi Hiromichi - chuyên gia của Dự án JICA tại Việt Nam. 
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Hoàng Xuân Hoan cho biết, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác và sử dụng chính thức trên mạng internet, CSDLQG về PL đã cung cấp tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ nhu cầu tiếp cận, tra cứu, áp dụng và thi hành pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển nhanh, mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực; nguồn thông tin phong phú, trình độ dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng được mở rộng trong khi năng lực nền kinh tế còn chưa cao, bộ máy nhà nước ngày càng tinh giảm… dẫn đến yêu cầu nâng cao chất lượng công tác xây dựng CSDLQG về PL.
 

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - Hoàng Xuân Hoan.


Ông Chinone Koichi - Cố vấn trưởng đại diện Dự án JICA tại Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai quản lý, duy trì, cập nhật cũng như hệ thống phần mềm đã và đang tồn tại một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, khai thác, sử dụng CSDLQG về PL. Do vậy, để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên và đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong thời gian tới CSDLQG về PL cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện một cách khoa học, toàn diện, hiệu quả.
Đồng chí Hoàng Xuân Hoan nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi những thực trạng về khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, sử dụng CSDLQG về PL; đồng thời học hỏi những kinh nghiệm của Nhật Bản về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đối với việc quản lý hệ thống pháp luật. Từ đó, Hội thảo sẽ cùng đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng CSDLQG về PL trong bối cảnh kỷ nguyên số, chuyển đổi số.
 

Ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp.
 
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số, Cục Công nghệ thông tin đã trình bày tham luận về một số vấn đề tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với CSDLQG về PL. Ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ, định hướng phát triển CSDLQG về PL cần tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, dữ liệu lớn để thực hiện việc xây dựng CSDLQG về PL, soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời nghiên cứu tái cấu trúc cơ sở dữ liệu và phân bổ nguồn lực đầu tư nâng cấp; tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có kinh nghiệm nhằm đẩy nhanh tiến độ ứng dụng kỹ thuật số trong xây dựng pháp luật,...
 

Bà Hoàng Linh Cầm, Chánh Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.


Bà Phùng Thị Hương, Chuyên viên Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.
 
Hội thảo cũng được nghe bà Hoàng Linh Cầm, Chánh Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày tham luận về "Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả đối với việc khai thác, sử dụng CSDLQG về PL”; bà Phùng Thị Hương, Chuyên viên Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trình bày tham luận về "Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả đối với việc quản trị CSDLQG về PL”. 
 
Ông Onishi Hiromichi - chuyên gia của Dự án JICA tại Việt Nam. 
 
Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đối với việc quản lý, công khai hệ thống pháp luật, ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia của Dự án JICA tại Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy số hóa công tác thẩm tra dự thảo văn bản pháp luật và việc sử dụng dữ liệu pháp luật thì cần tập trung một số biện pháp như: rà soát quy trình nghiệp vụ công tác thẩm tra dự thảo văn bản pháp luật, thúc đẩy phát triển các dịch vụ sử dụng, ứng dụng dữ liệu pháp luật, cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin cơ bản và thông báo công khai...
Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà bộ, ngành, địa phương mình đang gặp phải trong việc quản lý, duy trì, khai thác, sử dụng CSDLQG về PL, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng CSDLQG về PL trong bối cảnh kỷ nguyên số, chuyển đổi số.
 
Thu Nga