Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá

30/12/2024
Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá
Ngày 30/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, qua hơn 16 năm thực hiện, các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các văn bản hướng dẫn, chất lượng sản phẩm, hàng hoá ngày càng được nâng lên. Sản phẩm, hàng hoá được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường cho đến khâu sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật được ban hành đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng như tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân.
 

Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì phiên họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế như: chưa thống nhất về cách hiểu và xác định sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ, sự an toàn cho người tiêu dùng; công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá được giao cho nhiều ngành…
Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Qua đó đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật cũng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh, sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường và bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia.
 

Đại diện Bộ Quốc phòng.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về nội dung dự thảo Luật. Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, hiện Bộ Quốc phòng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ kiểm soát chất lượng vũ khí trang bị, sản phẩm, hàng quốc phòng ở các trạng thái (bao gồm cả thuộc và không thuộc đối tượng bí mật nhà nước). Vì vậy, đồng chí đề nghị chỉnh sửa điểm 2 khoản 28 Điều 1 về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất của Bộ Quốc phòng thành “Phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, khí tài, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng”. Đồng chí cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng đối với một số đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực cơ yếu như: sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự…
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khối lượng sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là khá lớn. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc xây dựng Luật mới thay thế Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ nội dung dự thảo Luật; trong đó chỉ nêu quy định các hành lang khung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội còn việc xây dựng, triển khai, phân công công việc cụ thể giao Chính phủ quy định. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá, cân nhắc việc đưa nội dung kiểm dịch vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; làm rõ sản phẩm, dịch vụ Halal là gì…
 

Đại diện Bộ Công an.

Về quy trình xử lý hành chính khi phát hiện vi phạm, đại diện Bộ Công an cho rằng quy định trong dự thảo Luật chưa phù hợp với quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng chí cho biết, thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành xử lý vi phạm hành chính. Do đó, đồng chí đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, trưởng đoàn kiểm tra thực hiện theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Cùng với đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung quy định về đào tạo kiểm soát viên chất lượng, trong đó quy định rõ cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, thẩm quyền cấp chứng chỉ để tạo cơ sở pháp lý xây dựng hiệu quả đội ngũ kiểm soát viên chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Kết luận phiên họp, đồng chí Lê Đại Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ theo quy định.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin