Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thăm Cộng hoà Bun-ga-ri

28/06/2008
Tiếp theo chuyến thăm tại Anh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn cán bộ tư pháp Việt Nam tiếp tục thăm và làm việc tại Bun-ga-ri theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hoà Bun-ga-ri Miglena Tacheva, từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 6 năm 2008.

 

Trong thời gian ở Bun-ga-ri, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã hội đàm với Bộ trưởng Miglena Tacheva; làm việc với Lãnh đạo các cơ quan pháp luật chủ yếu của Bun-ga-ri như Uỷ ban pháp luật Quốc hội, Hội đồng Tư pháp tối cao, Toà án tối cao, Toà án Hành chính tối cao, Cơ quan Tổng Công tố, Viện Tư pháp quốc gia, Hiệp hội Luật sư toàn quốc và Toà án cấp cao thành phố Plovdiv.  Tại các cuộc gặp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thông báo về tình hình phát triển và những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới; tình hình và kết quả thực hiện cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 48 và 49 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp ở Việt Nam và những yêu cầu đặt ra đối với ngành tư pháp Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, và vì dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phía bạn đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hệ thống pháp luật và tư pháp nói riêng; đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Hai nước sẽ tiếp tục ủng hộ và hợp tác cùng nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tacheva, hai Bộ trưởng đã nhất trí coi quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước là cơ sở để tiếp tục phát triển và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp. Hai Bộ trưởng nhận thấy rằng, những cải cách về pháp luật và tư pháp ở mỗi nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng, có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp được hai bên ký kết từ năm 1986 đã được đánh giá tốt, sự hợp tác và triển khai kịp thời, không có vụ việc nào để tồn đọng cho tới nay, cả hai Bộ trưởng đều hài lòng về kết quả thực hiện đó. Hai Bộ trưởng cũng đã nhất trí chủ trương sẽ đàm phán và ký kết Thoả thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Bun-ga-ri. Nhân dịp này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã mời Bộ trưởng Miglena Tacheva tới thăm Việt Nam trong thời gian cuối năm 2008 để hai bên cùng ký Thoả thuận hợp tác. 

Tại các buổi gặp với  Hội đồng tư pháp tối cao Bun-ga-ri, Uỷ ban pháp luật Quốc hội, Toà án tối cao, Toà án Hành chính tối cao và Cơ quan Tổng Công tố, Đoàn đã được nghe giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của từng cơ quan, những thay đổi và cải cách về tổ chức của các cơ quan nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới, nhất là sau khi Bun-ga-ri trở thành thành viên chính thức của Liên minh châu Âu. Các thành viên của Đoàn cùng chia sẻ với Bạn về những điểm giống và khác nhau trong hệ thống pháp luật và tư pháp của mỗi nước. Đối với Việt Nam, thiết chế Hội đồng tư pháp tối cao Bun-ga-ri (với 25 thành viên là Chánh án Toà án tối cao, Chánh án Toà án Hành chính tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 11 thành viên do Quốc hội bầu và 11 thành viên khác do toà án bầu) là một thiết chế mới đối với Việt Nam. Hội đồng Tư pháp tối cao được coi như cơ quan quản lý hành chính đối với toàn bộ hệ thống các cơ quan tư pháp ở Bun-ga-ri nhưng không can thiệp vào tất cả các hoạt động  điều tra, truy tố và xét xử thuộc thẩm quyền chuyên môn của cơ quan công an, công tố và toà án. Bun-ga-ri đánh giá cao vai trò của Hội đồng tư pháp tối cao bởi lẽ, Hội đồng là một thiết chế đặc biệt làm hạn chế những tác động và can thiệp của các cơ quan hành pháp và lập pháp đối với các cơ quan tư pháp và bảo đảm phát huy tối đa tính độc lập của các thẩm phán và cơ quan xét xử. Khác với Việt Nam, Bộ Tư pháp Bun-ga-ri có chức năng quản lý hoạt động của Toà án về mặt tổ chức, tham gia tuyển dụng và bổ nhiệm thẩm phán và các cán bộ Toà án, chịu trách nhiệm quản lý trại giam và thi hành án hình sự trên phạm vi toàn quốc. Bộ Tư pháp Bun-ga-ri cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các điều kiện hoạt động cả về cơ sở vật chất lẫn con người cho hoạt động tố tụng. Mô hình Hội đồng Tư pháp tối cao, chức năng quản lý toà án và thi hành án của Bộ Tư pháp Bun-ga-ri nhằm đảm bảo tính độc lập và kiểm tra lẫn nhau giữa các cơ quan là những vấn đề Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn nữa trong quá trình tiến hành cải cách pháp luật và tư pháp. Ngoài việc tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan tư pháp, Đoàn cũng quan tâm tìm hiểu về vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp. Đoàn đã gặp Viện Tư pháp quốc gia, tổ chức trực thuộc Hội đồng Tư pháp tối cao chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ thẩm phán, công tố viên, điều tra viên và các chức danh tư pháp khác tương tự như Học viện Tư pháp của Việt Nam. Giám đốc Viện  đã giới thiệu các cơ chế chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và tiêu chuẩn tuyển chọn học viên tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Viện. Về cơ bản, cơ cấu tổ chức, nội dung chương trình, thời gian đào tạo giữa hai cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp ở hai nước không có gì khác nhau, tuy nhiên có một điểm khác biệt mà các thành viên đoàn quan tâm tìm hiểu sâu đó là mô hình Hội đồng quản trị Viện Tư pháp tối cao của Bun-ga-ri và đội ngũ cán bộ giảng dạy tại Viện. Viện không có đội ngũ giảng viên chuyên trách, tất cả các cán bộ giảng dạy của Viện đều là các thẩm phán, công tố viên, điều tra viên đương nhiệm, có nhiều kinh nghiệm và uy tín về nghề nghiệp. Hội đồng quản trị do Chánh án Toà án tối cao làm Chủ tịch, các thành viên gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Toà án Hành chính tối cao, Chánh Công tố, giáo sư đại học luật Sofia và một thẩm phán có uy tín của Toà án tối cao. Hội đồng quản trị họp thường xuyên từ 4 – 5 lần một năm để thông qua cơ cấu chương trình, nội dung đào tạo của Viện, nhằm bảo đảm rằng các chương trình đào tạo được sát thực tế và đáp ứng với các yêu cầu công việc của các cơ quan tư pháp. Tại buổi gặp này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đánh giá cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp. Việc nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cho ngành tư pháp là một thách thức lớn ở Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu mô hình Hội đồng quản trị này rất đáng được quan tâm trong quá trình hợp tác pháp luật và tư pháp tới đây giữa hai nước.  Trong buổi gặp và làm việc tại Hiệp hội luật sư Bun-ga-ri, bà Chủ tịch Hiệp hội đã thông báo cho Đoàn về tình hình hoạt động của giới luật sư, công tác đào tạo luật sư ở Bun-ga-ri. Đặc biệt, những thông tin về Quy chế hoạt động và cơ cấu tổ chức của Hiệp hội luật sư được các thành viên Đoàn quan tâm tìm hiểu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị thành lập Hiệp hội luật sư toàn quốc và tổ chức kỳ họp đầu tiên vào tháng 9 tới đây. Nhân dịp này, bà Chủ tịch Hiệp hội đã chuyển lời mời tới Chủ tịch Hiệp hội luật sư toàn quốc Việt Nam tới thăm Bun-ga-ri và tham dự lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Hiệp hội luật sư Bun-ga-ri vào tháng 11 năm nay.

Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Bun-ga-ri.   

Nguyễn Minh Phương