Dự án Luật Đăng ký bất động sản: cần thể hiện rõ lợi ích của người dân khi thực hiện việc đăng ký bất động sản

26/06/2008
Đó là vấn đề được quan tâm nhất tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đăng ký bất động sản được tổ chức trong hai ngày 23 và 24/6/2008 tại phòng hội thảo của Nhà Pháp luật Việt - Pháp số 87 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để chuyên gia Pháp ông Oliver GOUSSARD - công chứng viên bình luận về từng vấn đề được nêu ra trao đổi tại hội thảo và các thành viên tham dự cùng trao đổi, thảo luận về vấn đề được nêu. Trước khi bình luận cụ thể về từng vấn đề, ông GOUSSARD đã có đánh giá chung về dự thảo luật. Ông đánh giá cao chất lượng của dự thảo luật (dự thảo 6) và cho rằng khi luật này ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của thị trường bất động sản.
Trước tiên là về vấn đề đăng ký bất động sản là bắt buộc hay mang tính chất tự nguyện. Theo ông GOUSSARD đăng ký phải là bắt buộc đối với mọi trường hợp. Ông cho rằng an toàn pháp lý chỉ có thể được đảm bảo nếu đăng ký là bắt buộc và nếu như đăng ký không mang tính chất bắt buộc thì không thể có một hệ thống đăng ký hoàn hảo. Đồng tình với quan điểm mà chuyên gia Pháp đưa ra, ông Trần Đình Triển - trưởng ban pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng đăng ký bất động sản phải là bắt buộc, như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi của cả Nhà nước và người dân.
TS. Nguyễn Ngọc Điện - Đại học Cần Thơ lại cho rằng nếu như việc đăng ký chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba thì đăng ký chỉ nên xác định là đăng ký tự nguyện. Cái quan trọng là dự thảo luật cần chỉ ra lợi ích của việc đăng ký, khi thấy được ý nghĩa của việc đăng ký thì người dân sẽ tự nguyện đi đăng ký. Cũng bàn về vấn đề này, TS. Võ Đình Toàn - Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng không nên đặt ra vấn đề đăng ký là tự nguyện hay bắt buộc mà chỉ quy định các trường hợp đăng ký theo quy định của luật này và chỉ ra lợi ích đem lại từ việc đăng ký, cái người dân quan tâm chính là lợi ích mà họ có được khi thực hiện việc đăng ký.
Nhìn chung đối với vấn đề nguyên tắc đăng ký là bắt buộc hay tự nguyện các đại biểu đều đồng tình trong dự thảo luật cần thể hiện được lợi ích mà người dân được hưởng khi thực hiện việc đăng ký, khi người dân nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của việc đăng ký thì đăng ký là bắt buộc hay tự nguyện sẽ không còn là vấn đề quá quan trọng.
Ông GOUSSARD cũng đánh giá cao thủ tục đăng ký bất động sản được quy định trong dự thảo luật. Ông cho rằng thủ tục đăng ký được quy định như vậy là rất nhanh chóng, đáp ứng được mong mỏi của người dân. Trong khi ở Pháp thủ tục đăng ký bất động sản thường phải kéo dài từ 2 đến 3 tháng thì theo quy định của dự thảo luật thời gian thực hiện một thủ tục đăng ký bất động sản chỉ chậm nhất là 10 ngày. Cũng tâm đắc với những quy định về thủ tục đăng ký được quy định trong dự thảo luật, ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Trung tâm Thông tin Tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất TP.Hồ Chí Minh cho rằng thủ tục nhanh gọn, thuận tiện, thời gian đăng ký được rút ngắn thì người dân sẽ tích cực thực hiện việc đăng ký.
Về phạm vi cung cấp thông tin, theo ông GOUSSARD ở Pháp không phải mọi thông tin đều được cung cấp mà chỉ những thông tin cơ bản mới được cung cấp như thông tin về chủ sở hữu, những hạn chế đối với bất động sản liền kề... Tuy nhiên, theo quan điểm của ông thì mọi thông tin về bất động sản đều có thể được cung cấp cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu, như vậy mới đảm bảo được tính công khai, minh bạch của bất động sản.
 
Ngọc Phượng - Cục Đăng ký