Ngày 20/6/2008, tại thành phố Nha Trang, được sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (Dự án JICA), Bộ Tư pháp đã tổ chức Toạ đàm góp ý về Dự án Luật Bồi thường nhà nước (BTNN). Đến dự Toạ đàm có đại diện của nhà tài trợ, đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Trường Đại học Luật Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Sở Tư pháp khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng đại diện các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư và Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp), Tổ phó tổ biên tập nhận định: Luật BTNN có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Dự án Luật BTNN được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội khoá 10. Việc xây dựng, ban hành Luật BTNN nhằm mục đích tổ chức thực hiện trên thực tế cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và doanh nghiệp đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự. Văn bản pháp luật của nước ta hiện nay đã có quy định về vấn đề này nhưng còn phân tán. Do vậy, Luật BTNN ra đời tạo cơ chế thuận lợi trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. BTNN là khái niệm mới, do vậy, dù trong quá trình soạn thảo tổ biên tập đã có tham khảo luật pháp của nhiều nước trên thế giới nhưng với điều kiện hiện nay của nước ta, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Do đó, Ban soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Toạ đàm để hoàn chỉnh Dự thảo trước khi trình Chính phủ. “Luật BTNN sẽ là một đạo Luật rất riêng, rất Việt Nam”- Ông Tịnh khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Đình Thơ (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hoà) nêu ý kiến: Thiệt hại của doanh nghiệp có được bồi thường hay không? Dự thảo Luật chưa đưa vấn đề thiệt hại của doanh nghiệp phải gánh chịu trong trường hợp chủ doanh nghiệp bị bắt, tạm giam, tạm giữ hay chấp hành hình phạt tù. Trong Dự thảo Luật và các văn bản trước đây liên quan đến vấn đề BTNN vẫn chưa quy định rõ bồi thường cho cá nhân hay pháp nhân. Chính vì thế, khi xảy ra oan sai phải bồi thường thì hầu như chỉ giải quyết đối với cá nhân, còn đối với pháp nhân là doanh nghiệp thì chưa được đề cập đến.
Đóng góp vào Dự thảo Luật, đại biểu Đinh Dũng Sĩ (Văn phòng Chính phủ) nêu lên thực tiễn luật pháp của nước ta không như thế giới, còn chung chung nên rất khó thực hiện. Theo Dự thảo Luật BTNN thì nó vừa mang tính Luật nội dung, vừa mang tính Luật thủ tục. Trên cơ sở nhà nước pháp quyền, vấn đề quyền con người, quyền công dân thì trong quan hệ Luật BTNN, nhà nước cần được xem như là một chủ thể của Luật Dân sự. Tuy nhiên ông Sĩ cũng chia sẻ băn khoăn với các nhà soạn thảo. Qua tham khảo kinh nghiệm của thế giới thì trong điều kiện hiện nay của nước ta, với tình hình kinh tế xã hội còn ở mức độ vừa phải, trình độ cán bộ công chức (CBCC), trình độ luật pháp… chưa thể nêu tất cả mọi trường hợp mà chỉ nêu một số trường hợp cụ thể (như Luật của Trung Quốc) để quy định những lĩnh vực nào sẽ đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Bởi đây là một vấn đề rất khó.
Đại biểu Nguyễn Viết Tý (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng Dự thảo Luật BTNN có phạm vi điều chỉnh hẹp. Bởi nếu Nhà nước không có lỗi nhưng gây ra thiệt hại cho người dân thì có phải bồi thường hay không? Ông Tý cũng nêu lên ví dụ thực tiễn qua đợt dịch tiêu chảy cấp vừa xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, riêng Thanh Hoá đã có khoảng 20 tấn mắm tôm bị tiêu huỷ. Quan điểm cá nhân ông thì bồi thường là một phần chia sẻ thiệt hại của người dân. Ông cũng đồng ý với Ban soạn thảo Luật là với điều kiện của nước ta hiện nay thì phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên dừng lại như Dự thảo. Tuy nhiên để cho rõ nghĩa hơn thì cần sửa tên của Luật là Luật BTNN trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và tố tụng hình sự.
Đại biểu Trần Xuân Hiệp (Giám đốc Sở Tư pháp Gia Lai) cho rằng: xét cho cùng, Luật BTNN là pháp điển hoá 2 văn bản cũ (Nghị định 47/CP và Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11). Theo ông Hiệp thì vấn đề bức xúc hiện nay là quan hệ dân sự. Ông nêu lên một thực trạng trong lĩnh vực tố tụng dân sự là cùng một Toà án xét xử một vụ kiện dân sự nhưng kết quả thì “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”. Theo ông Hiệp: thiệt hại của người dân về tinh thần, về uy tín, tài sản…là rất lớn. Do vậy, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật - cứ có sai của CBCC, của chính sách gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường. Còn mức bồi thường thì nên hạn chế. Có như vậy mới “sòng phẳng”, bình đẳng trong quan hệ giữa nhà nước với công dân của Nhà nước pháp quyền. Ông nêu lên ví dụ: việc đặt tên một con đường thì đưa ra HĐND biểu quyết, còn chuyển hàng trăm ha đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang mục đích khác để phát triển kinh tế (trong đó có việc san ủi mồ mả của người dân trên đất đó) nhưng chỉ bằng một quyết định hành chính. Bởi vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh có ý nghĩa làm cho đội ngũ CBCC cân nhắc kỹ trước khi ban hành một quyết định hành chính. CBCC sẽ phải xem xét đến hậu quả pháp lý của quyết định do mình đặt bút ký. Do vậy cần phải đưa vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật cả “cái lớn lẫn cái nhỏ”. Ông cũng cho rằng vấn đề bồi thường chỉ nên áp dụng đối với thiệt hại trực tiếp, còn gián tiếp thì không nên do rất khó xác định. Điều này thể hiện tính minh bạch của pháp luật. Về vấn đề cơ quan xét xử, theo ông cần đưa ra nhiều cơ quan có thẩm quyền xét xử để người dân lựa chọn nơi nào phù hợp nhất đối với họ.
Đại biểu Đặng Như Ý (Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hoà) nêu lên băn khoăn về tên gọi của Dự thảo Luật. Tại sao không là Luật Nhà nước bồi thường? Nếu tên gọi như vậy sẽ dễ hiểu hơn, toát lên được nguyên nhân thiệt hại là do CBCC gây ra. Theo như Dự thảo thì việc bồi thường có tính chất nhà nước, người dân khó hiểu vì nói ngược với ngữ pháp tiếng Việt. Ông Ý cũng đề nghị nên tách làm 2 mảng: Hành chính các loại và tố tụng các loại (lĩnh vực Thi hành án sẽ đưa vào mảng tố tụng các loại vì đó là khâu sau cùng của hoạt động tố tụng) để đảm bảo tính nhất quán trong Luật. Nếu không thì đưa nội dung bồi thường này vào các Luật khác để người dân dễ nghiên cứu và vận dụng khi quyền lợi của họ bị thiệt hại. Bởi không làm được như vậy thì rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản Luật, như điều 9 của Dự thảo dễ gây ra hiểu lầm: tại sao việc này bồi thường, còn việc khác thì không bồi thường…
Đặng Hữu.