Sửa đổi Luật Phá sản 2004: Phải “bắt đúng bệnh” để kê đơn thuốc

23/06/2008
Sửa đổi Luật Phá sản 2004: Phải “bắt đúng bệnh” để kê đơn thuốc
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tại hội nghị chuyên đề “đánh giá thực tiễn thi hành Luật phá sản” do Bộ Tư pháp phối hợp với TANDTC tổ chức hôm 20/6/2008 tại Hà Nội.

Báo cáo về tình hình giải quyết phá sản của 29 tỉnh, TP thì có đến 9 địa phương không có vụ phá sản nào. Tuy nhiên, đó chưa hẳn phản ánh đúng tình trạng của doanh nghiệp (DN). Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp: trong số DN làm ăn thua lỗ thì số lượng DN nhà nước chiếm một tỷ lệ cao, song rất ít DN nhà nước nộp đơn ra toà hoặc bị chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản. Nguyên nhân – theo ông Huệ với DN nhà nước việc phá sản hay không phụ thuộc vào đại diện chủ sở hữu (Bộ hay UBND cấp tỉnh). Nếu các cơ quan chủ quản này chưa đồng ý thì DN cũng không thể nộp đơn yêu cầu phá sản. Mặt khác theo quy định hiện hành thì một số DN nhà nước tuy đã lâm vào tình trạng phá sản nhưng không được giải quyết mà được sắp xếp, tổ chức lại theo hình thức cổ phần hoá, bán, khoán kinh doanh, cho thuê…Chỉ khi nào không chuyển đổi được thì các DN này mới chuyển sang thủ tục phá sản.

Cùng ý kiến với ông Huệ, bà Bùi Thị Hải, Phó Chánh toà Kinh tế - TANDTC nêu lên thực trạng khó khăn trong giải quyết phá sản của các Toà án hiện nay, đó là nhiều trường hợp có đơn yêu cầu nhưng Toà không thể thụ lý vì đối tượng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật phá sản, không đủ điều kiện để thụ lý. Cho nên thực tế việc ra quyết định tuyên bố phá sản của các toà án hiện rất ít, có chăng chủ yếu là quyết định tuyên bố DN, Hợp tác xã bị phá sản trong trường hợp đặc biệt. Nói về những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, bà Hải dẫn chứng: theo quy định tài sản sau 2 lần giảm giá mà không bán được thì các chủ nợ có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm. Nếu các chủ nợ không nhận thì trả lại cho DN, hợp tác xã. Quy định như vậy là không khả thi, vì thủ tục thanh lý tài sản là giai đoạn cuối cùng trước khi thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản. Do đó, tài sản của DN, Hợp tác xã, bắt buộc phải thanh lý hết. Nếu không bán được mà trả lại thì sẽ không kết thúc được thủ tục thanh lý tài sản, và DN sẽ mãi trong tình trạng “chết không được chôn”.

Cần coi giải quyết phá sản là việc của chủ nợ.

Với cơ chế hiện nay, nhà nước đang phải can thiệp quá sâu vào các thủ tục giải quyết phá sản. Từ việc thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản, tổ chức hội nghị chủ nợ, xác định công nợ…Tất cả các quy trình này đều rất khó khăn dẫn đến một thực tế là thời gian giải quyết các loại việc về phá sản của các Toà án kéo dài. Có những vụ 5,7 năm chưa giải quyết được. Ông Trần Văn Sự, Phó Chánh án TANDTP. Hồ Chí Minh dẫn chứng: hiện nay theo quy định, chỉ có Công ty cổ phần mới phải báo cáo kiểm toán, còn lại thì không. Tức là khi toà thụ lý việc giải quyết phá sản, DN, hợp tác xã báo cáo tình hình tài chính của họ như thế nào thì toà biết thế ấy vì không có cơ chế kiểm soát. Tuy nhiên, ông Sự cho rằng nếu như yêu cầu tất cả các báo cáo đều phải được kiểm toán thì DN lấy đâu ra tiền trả cho kiểm toán vì lúc đó họ đang trong tình trạng “một xu không còn”.

Cũng về vấn đề này, ở một khía cạnh khác, ông Dương Đăng Huệ phân tích: Pháp luật phá sản chưa quy định cơ chế để các con nợ tự tiến hành phục hồi khi lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Theo quy định hiện nay thì chỉ khi nào con nợ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và được Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì mới có quyền được áp dụng cơ chế phục hồi. Như vậy, thủ tục phục hồi chỉ có thể được tiến hành trong quá trình toà án tiến hành giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quy định này buộc các con nợ phải tiến hành thủ tục phục hồi dưới sự kiểm soát của toà án, do đó chưa thực sự khuyến khích các DN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Để bảo đảm tính chủ động hơn cho các con nợ thì cần có một cơ chế cho phép con nợ khi thấy mình lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính thì có thể chủ động nộp đơn đến Toà án để được áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt; và con nợ tự tiến hành thủ tục phục hồi sau khi đã thoả thuận với các chủ nợ mà không cần sự giám sát của toà án.

“Cần xã hội hoá quy trình phá sản, biến công việc này thành việc của chủ nợ chứ không phải của nhà nước. Ông Đỗ Cao Thắng – nguyên Chánh Toà kinh tế TANDTC đã đề nghị như vậy khi nói về việc giải quyết phá sản hiện nay. Ông Thắng cũng cho rằng, cần để các luật sư tham gia vào việc thanh lý tài sản (bởi thực chất đây là việc thanh toán nợ tập thể), dưới sự điều hành của thẩm phán. Một ý kiến khác lại kiến nghị nên sửa đổi Luật phá sản theo hướng thẩm phán ra quyết định tuyên bố DN, hợp tác xã bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản.

Thu Hằng

Năm 2005 toàn ngành toà án thụ lý mới 11 vụ, 3 vụ tồn từ 2004, chỉ giải quyết 1 vụ.

Năm 2006 con số thụ lý là 40, giải quyết được 16 vụ.

Năm 2007, đã thụ lý 144 vụ, trong đó TA cấp tỉnh thụ lý 120 vụ, còn lại của cấp huyện. So với năm 2006 tăng 260%. TA cấp huyện đã giải quyết xong 100% (đều tuyên bố phá sản). Số vụ do Toà tỉnh giải quyết bao gồm: trả lại đơn 1 vụ, không mở thủ tục phá sản 10 vụ, quyết định tuyên bố phá sản theo thủ tục đặc biệt 4 vụ, quyết định đình chỉ thủ tục phá sản 10 vụ, quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản 75 vụ

(Nguồn : Toà kinh tế, TANDTC)