Đổi mới mạnh mẽ công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng của Đảng, Nhà nước

16/12/2024
Đổi mới mạnh mẽ công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng của Đảng, Nhà nước
Ngày 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Vị trí, vai trò của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)”. Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì Hội thảo.
Công tác thẩm định góp phần đánh giá toàn diện nội dung, chất lượng VBQPPL
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhấn mạnh, thẩm định là khâu quan trọng trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, giúp nâng cao chất lượng văn bản, xác định rõ sự cần thiết ban hành, sự phù hợp của văn bản với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản. Bên cạnh đó, kết quả của hoạt động thẩm định sẽ giúp các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL có thêm thông tin, cơ sở để xem xét, đánh giá toàn diện nội dung dự án, dự thảo VBQPPL trước khi quyết định thông qua hoặc ký ban hành.
 

Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng chí cho biết thêm, thời gian qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều định hướng, chỉ đạo liên quan đến công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác thẩm định VBQPPL nói riêng. Đặc biệt, tại Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chỉ rõ: “Trong xây dựng, thẩm định VBQPPL, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia”; “Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo VBQPPL tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất. Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quá trình soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, xây dựng chính sách và ban hành VBQPPL”.
Bên cạnh đó, trong đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Chính sách 2 đã nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng VBQPPL chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành VBQPPL”. Một trong những giải pháp để cụ thể hóa Chính sách này là cần quy định cụ thể hơn về quy trình và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó có hoạt động thẩm định.
Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính sách của đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) đã được thông qua để tập trung đánh giá những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác thẩm định VBQPPL; đồng thời đề xuất các giải pháp để phát huy tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong khâu thẩm định VBQPPL.
Tách biệt trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định VBQPPL
Tại Hội thảo, đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã giới thiệu tổng quan các quy định của pháp luật về thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL. Đồng chí khẳng định, hoạt động thẩm định có vai trò rất quan trọng, giúp đánh giá toàn diện, đầy đủ các nội dung của dự thảo VBQPPL, góp phần bảo đảm tính khả thi của VBQPPL. Hoạt động thẩm định cũng giúp tăng cường sự phối hợp giữa chủ thể soạn thảo hoặc ban hành VBQPPL với cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời là cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL.
 

Đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật giới thiệu tổng quan các quy định của pháp luật về thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL.

Về thực trạng công tác thẩm định VBQPPL, đồng chí cho biết, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan tư pháp địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào nề nếp. Nội dung thẩm định ngày càng bao quát, thực chất hơn; chú trọng vào việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; tính minh bạch, khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo VBQPPL. Quy trình thẩm định tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các quy định chi tiết Luật; thời hạn thẩm định được bảo đảm; báo cáo thẩm định được đổi mới về chất lượng với những lập luận xác đáng.
Tuy nhiên, công tác thẩm định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hồ sơ gửi thẩm định chưa đầy đủ các tài liệu theo quy định, chất lượng báo cáo thẩm định chưa đồng đều, nội dung thẩm định chưa sâu…
Xuất phát từ yêu cầu phải đổi mới quy trình xây dựng pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, đồng chí đã gợi mở một số nội dung cần tập trung trao đổi, thảo luận như: trách nhiệm của các chủ thể trong thẩm định VBQPPL; yêu cầu, nội dung thẩm định; quy trình thẩm định; giá trị pháp lý của Báo cáo thẩm định; giải pháp để phát huy tính chuyên nghiệp trong khâu thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp; kinh nghiệm nước ngoài về công tác thẩm định VBQPPL.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ quan thẩm định không thẩm định về tính khả thi, tính hợp lý của dự án, dự thảo VBQPPL do cơ quan chủ trì soạn thảo (thường là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực) sẽ biết rõ nhất tính khả thi và tính hợp lý của các quy định trong dự thảo. Vì vậy, theo đồng chí, nội dung thẩm định nên tập trung vào các vấn đề như: sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật; tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
 

Đồng chí Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhất trí với ý kiến của đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa, đồng chí Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án, dự thảo VBQPPL; còn cơ quan thẩm định chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đối với hồ sơ thẩm định, theo quy định hiện nay, tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo gửi kèm văn bản đề nghị Bộ Tư pháp gồm: Tờ trình, dự thảo văn bản được đóng dấu giáp lai; các tài liệu khác được đóng dấu treo của bộ, cơ quan ngang bộ. Để đơn giản hoá quy trình thực hiện và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, đồng chí đề xuất tờ trình được ký, đóng dấu kèm theo dự thảo văn bản, các báo cáo chỉ cần gửi điện tử trên hệ thống.
 

Đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Về thực trạng thẩm định, ban hành quyết định quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh, đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho biết, một số cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật, dẫn tới tình trạng chậm, muộn trong ban hành hoặc xây dựng văn bản thực hiện gấp, ảnh hưởng đến chất lượng. Đội ngũ công chức pháp chế ở các sở, ban, ngành mặc dù được kiện toàn nhưng còn thiếu, chưa được tổ chức bài bản so với yêu cầu công việc về xây dựng, hoàn thiện thể chế trong tình hình mới.
Để khắc phục những bất cập này, theo đồng chí, cần quy định rõ hơn thẩm quyền ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; trong đó phân biệt trường hợp nào do HĐND ban hành, trường hợp nào do UBND ban hành. Bên cạnh đó, có thể xem xét, ban hành quy định về việc tổ chức xin ý kiến của cấp uỷ cùng cấp trong một số trường hợp VBQPPL, thời điểm xin ý kiến, nội dung cần xin ý kiến để các địa phương có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, cũng cần đơn giản hoá, giảm việc đánh giá tác động của chính sách; chỉ tổ chức lấy ý kiến tổ chức và Nhân dân trong một số trường hợp; đối với một số văn bản quy định có mức độ tác động chủ yếu đến nội bộ hoạt động của cơ quan nhà nước thì giảm thời gian niêm yết công khai, lấy ý kiến để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.
 

Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.


Đồng chí Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, yêu cầu về thành viên Hội đồng thẩm định, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình thẩm định…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin