Nâng cao nhận thức, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

12/12/2024
Nâng cao nhận thức, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam
Ngày 12/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và quốc gia
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm được coi là chìa khoá để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp, tuy nhiên Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.
 
Ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc tại Diễn đàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Huyên, tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng trưởng xanh, nhất là khi có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu ÂU (EVFTA) đã đề cập đến vấn đề này, ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843 ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm giai đoạn 2023 – 2027 (Chương trình hành động quốc gia).
“Để đánh giá sơ bộ kết quả đạt được và tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình này, chúng ta cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như trao đổi, đối thoại giữa các chủ thể có liên quan bao gồm các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có liên quan. Tôi tin tưởng thông qua Diễn đàn này, Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam sẽ có thêm thông tin, kinh nghiệm hữu ích phục vụ triển khai hiệu quả Quyết định số 843” – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên nhấn mạnh.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy các tác động tích cực của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi giải quyết các nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người. Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam đã đề ra những định hướng linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh để ứng phó với các thách thức và cơ hội mới. Những kinh nghiệm từ các chuyên gia, đại biểu tại Diễn đàn này sẽ là nền tảng quý giá trong tương lai.
 
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp và các bên liên quan. Bằng nỗ lực chung, chúng ta có thể định hình và thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững và công bằng hơn” - bà Ramla Khalidi bày tỏ.
 
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì Diễn đàn.

Nhà nước cần hoàn thiện chính sách và pháp luật
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế PACC đã nêu rõ thực tiễn và vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Theo đó, hiện tại doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng các doanh nghiệp ở Việt Nam, sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự rõ ràng về tiêu chí, tiêu chuẩn và cách thức triển khai, áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp do nhận thức, kiến thức còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước về quản lý lao động, bảo vệ môi trường, lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng; các doanh nghiệp tư nhân hiện nay thường hướng đến lợi nhuận và thịnh vượng, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến trách nhiệm xã hội…
 
TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế PACC.

Vì vậy, theo ông Trần Minh Sơn, để thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, Nhà nước cần bảo đảm hoạt động cho chương trình kinh doanh có điều kiện như ban hành Chương trình hành động quốc gia về hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; hỗ trợ qua các cơ chế ưu đãi, tự quản, giám sát, thanh tra công bằng và hiệu quả…
Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm với việc xây dựng cơ chế, kế hoạch của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia các chuỗi cung ứng…
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã nêu một số khó khăn mà luật sư gặp phải khi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý, như số lượng luật sư chuyên tư vấn cho doanh nghiệp có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về pháp luật doanh nghiệp chưa nhiều; chất lượng luật sư chưa đồng đều; nhiều luật sư chưa hiểu các doanh nghiệp cần gì ở mình cũng như phần lớn các doanh nghiệp chưa hiểu nghề luật sư…
 
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Do đó, ông Nguyễn Văn Hà kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư. Nhà nước hoàn thiện thể chế về luật sư hành nghề luật sư và triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật hiện hành về luật sư và hành nghề luật sư.
Nhà nước và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần ban hành các Chương trình, Kế hoạch về từng chuyên đề, nội dung khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp triển khai về các Đoàn Luật sư để thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, luật sư với năng lực và trình độ, hiểu biết của mình về pháp luật sẽ là một trong những nhân tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và những doanh nghiệp trên địa bàn từng địa phương nói riêng thấu hiểu được tầm quan trọng của luật pháp cũng như vai trò của việc tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp.
 
Các đại biểu đánh giá kết quả và thảo luận tại Phiên 2 của Diễn đàn về "Thực hiện Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam - Kết quả bước đầu, đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp".
 
Thanh Trà

Báo PLVN