Ngày 07/10, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số ngành Tư pháp”. Đồng chí Phạm Quang Hiếu, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp chủ trì Tọa đàm. Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu đánh giá cao sự tham dự đông đủ của các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ và cán bộ phụ trách về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của một số đơn vị thuộc Bộ và đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan. Đồng chí cho biết, Chuyển đổi số là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua nhằm chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với mục tiêu phát triển trên cả 03 trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số ngành Tư pháp” sẽ giúp mọi người hiểu hơn về công nghệ AI, đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI phục vụ chuyển đổi số cho đơn vị, Bộ, Ngành Tư pháp. Đồng chí tin tưởng rằng với các nội dung được trình bày trong buổi Tọa đàm, sự truyền tải nội dung, chia sẻ kiến thức trong thực tiễn của chuyên gia về AI, lãnh đạo đơn vị quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ AI, cán bộ, công chức, viên chức tham dự Tọa đàm sẽ có thêm nhiều thông tin về công nghệ AI và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đơn vị.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu phát biểu tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, đồng chí Đỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chia sẻ kinh nghiệm triển khai Trợ lý ảo trong thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao tại Bộ TT&TT; từ quá trình thử nghiệm Trợ lý ảo, Bộ TT&TT đã đúc rút kinh nghiệm thông qua 3 chữ sau:
- Thứ nhất là chữ NHỎ:
Trợ lý ảo của Việt Nam tiêu tốn ít nguồn lực hơn thế giới, thậm chí ít hơn hàng triệu lần nhưng vẫn có thể tốt hơn các Trợ lý ảo trên Thế giới, bởi chúng ta có thể thu hẹp bài toán lại hàng trăm triệu lần.
Giai đoạn đầu, Bộ TT&TT đã dự định làm 1 Trợ lý ảo chung cho tất cả công chức, viên chức trong các Cơ quan nhà nước. Sau đó, xét theo nhu cầu thực tiễn, đồng thời nâng cao hiệu quả của Trợ lý ảo trong công việc, Bộ TT&TT đã làm nhỏ hơn, thử nghiệm Trợ lý ảo cho mỗi bộ, mỗi tỉnh. Hiện nay, Trợ lý ảo đã được Bộ TT&TT đã thử nghiệm hẹp hơn nữa, phạm vi triển khai cho mỗi Cục, mỗi Vụ.
- Thứ hai là chữ VÀ:
Hiện nay, hầu hết các Trợ lý ảo tiên tiến nhất đều đang đặt trọng tâm vào AI, vào ứng dụng Mô hình ngôn ngữ lớn, nhưng không phải chỉ Mô hình ngôn ngữ lớn là đã đủ; Con người sẽ làm tốt hơn Trí tuệ nhân tạo ở những việc con người đã biết, đã thành thạo; Trí tuệ nhân tạo thì hơn con người ở khả năng biết nhiều, biết rộng, biết tri thức của nhân loại.
Đồng chí Đỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT chia sẻ tại Tọa đàm.
Trợ lý ảo của Bộ TT&TT là sự kết hợp giữa Hệ Tri thức chuyên gia do con người xây dựng VÀ Mô hình ngôn ngữ lớn của Trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là một sáng tạo đặc sắc của Việt Nam. Trợ lý ảo của Bộ TT&TT chỉ sử dụng những dữ liệu của chính các cơ quan, đơn vị trong Bộ. Dữ liệu vì thế mà nhỏ đi hàng ngàn, hàng triệu lần nên dễ tổng hợp hơn, đầy đủ và chính xác hơn; Trợ lý ảo sẽ khai thác số liệu quản lý lĩnh vực của chính các cơ quan, đơn vị, do đó có thể kiểm soát thủ công, đảm bảo tính chính xác.
- Thứ ba là chữ CHIA:
Theo đó, Bộ TT&TT nhận định, việc triển khai AI không phải việc của một mình Doanh nghiệp Công nghệ số. Việc này nên là sự kết hợp của Doanh nghiệp Công nghệ số và Khách hàng. Doanh nghiệp Công nghệ số làm tốt phần nền tảng, làm thật tốt phần công cụ hỗ trợ. Khách hàng chuẩn bị tốt phần dữ liệu, phần tri thức chuyên gia của mình. Doanh nghiệp Công nghệ số khó có thể hiểu được sâu sắc các bài toán chuyên môn; ngược lại, Khách hàng thì hiểu rất rõ về bài toán của mình nhưng mù mờ về công nghệ, thiếu công cụ. Doanh nghiệp Công nghệ số nếu làm chủ nền tảng, làm chủ công cụ tốt rồi thì sẽ phục vụ được nhiều khách hàng. Khách hàng hiểu rõ bài toán của mình thì có thể tự xây dựng và triển khai ứng dụng AI trên vai các Doanh nghiệp Công nghệ số. Có như vậy mới làm nhanh, làm rộng được. Hai thành tố kết hợp lại với nhau sẽ tạo nên sự xuất sắc.
Chia sẻ thêm tại Tọa đàm, đồng chí Đỗ Lập Hiển cũng cho biết, hiện nay, Bộ TT&TT đang triển khai thử nghiệm Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức của Bộ hỏi đáp theo các lĩnh vực chuyên ngành đến 34 cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Các chuyên gia phát biểu tại Tọa đàm.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng Trợ lý ảo để hỗ trợ xử lý thông tin, xây dựng hệ tri thức số, ứng dụng công nghệ AI trong việc tổ chức các cuộc họp...
Một số hình ảnh khác:
N.H - Cổng TTĐT Bộ Tư pháp