Sáng 4/10, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2025-2030”. Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên chủ trì Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác PBGDPL cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo.
Để triển khai các văn bản trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 12/5/2023 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, giao Bộ tư pháp chủ trì, xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương để khảo sát, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL để xây dựng Đề án. Theo Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên, Đề án này có đặc thù khác so với các Đề án trước đây, bên cạnh vấn đề pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống thì còn có những đề xuất, giải pháp về công nghệ thông tin.
Trên cơ sở đó, Cục PBGDPL đã xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”.
Tại Hội thảo lần này, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên mong muốn các đại biểu là chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác PBGDPL, công nghệ thông tin sẽ đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp về việc chuyển đổi số trong PBGDPL như AI (trí tuệ nhân tạo), tổ chức các cuộc thi trực tuyến, đào tạo, bồi dưỡng… để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung dự thảo Đề án này.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Tô Thị Thu Hà trình bày tóm tắt dự thảo Đề án.
Trình bày tóm tắt dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”, đồng chí Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, Đề án tập trung vào 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhằm tạo sự thay đổi căn bản về phương thức PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp, chuyển từ cách làm truyền thống sang thực hiện trên môi trường số, bảo đảm thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận từ các chuyên gia trong công tác PBGDPL và ứng dụng công nghệ thông tin như: Kết quả thực hiện các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới; Ứng dụng công nghệ trong PBGDPL với nền tảng thi trực tuyến. Ứng dụng chuyển đổi số dữ liệu và giải pháp truyền thanh thông minh; Giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác PBGDPL,...
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, các đại biểu đã có nhiều đề xuất, giải pháp như: ứng dụng AI trong Hỏi đáp pháp luật và giới thiệu văn bản chính sách mới; xây dựng các dự án liên quan đến AI; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL trên môi trường mạng đối với báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; bảo đảm các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL được tổ chức thông qua hình thức đào tạo trực tuyến; bổ sung thêm một số nhóm đối tượng liên quan (giáo viên, lực lượng vũ trang, học sinh trung học,...);... hướng tới toàn dân, toàn diện./.
Thu Nga