Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (ngày 10/10), phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã có các cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Hùng - Trưởng Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung của bài phỏng vấn.
Phóng viên: Ông có thể cho biết những yêu cầu đặt ra hiện nay đối với công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản?
Ông Nguyễn Công Hùng - Trưởng Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm:
Thứ nhất, từ phía người dùng, hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhu cầu sử dụng các dịch vụ, tiện ích công nghệ của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao, đòi hỏi các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ công trực tuyến về đăng ký biện pháp bảo đảm cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích trong cung cấp vụ công trực tuyến. Việc vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản trong thời gian vừa qua mặc dù được các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đánh giá cao về sự nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng tối đa các tiện ích, tuy nhiên, trước yêu cầu, thách thức của công cuộc chuyển đổi số, hệ thống này cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, nâng cấp theo hướng ứng dụng tối đa thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm. Bên cạnh đó, yêu cầu về tính kịp thời, liên tục trong hoạt động cung cấp dịch vụ, nhu cầu về sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhận tạo (AI) trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đòi hỏi cơ quan quản lý luôn phải có sự đầu tư cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực để quản lý, vận hành và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đăng ký trực tuyến, đảm bảo cho hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin luôn ổn định, thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Thứ hai, từ phía cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề an toàn thông tin số là yêu cầu quan trọng được đặt lên hàng đầu trong quá trình nâng cấp, mở rộng, vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến và hoạt động chỉ đạo điều hành, xử lý công việc phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm. Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Đảng, Nhà nước về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, nhiệm vụ và khối lượng công việc hiện nay và trong tương lai liên quan đến lĩnh vực đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm là rất lớn như quản lý, vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm; cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án dân sự,... Do vậy, phải đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ thông tin có chất lượng để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số.
Phóng viên: Theo ông, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể gì trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Công Hùng - Trưởng Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm:
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, theo tôi, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
(i) Thứ nhất, trong cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, cần khẩn trương hoàn thiện, mở rộng các tính năng của phần mềm đăng ký trực tuyến theo hướng tăng cường ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao hiệu quả hoạt động và an toàn thông tin, dữ liệu của Hệ thống đăng ký trực truyến, đảm bảo các giải pháp kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng ứng dụng phục vụ hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm chạy trên các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng,…); mở rộng thêm các phương thức thanh toán như thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử;
- Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với 100% phí đăng ký biện pháp bảo đảm, phí cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu hoặc các nghĩa vụ thanh toán khác; đảm bảo có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới, điều kiện mới về mọi phương thức thanh toán hợp pháp trên môi trường số;
(ii) Thứ hai, trong thực hiện quản ý nhà nước, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Hoàn thiện nền tảng phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu số giữa Hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký với các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; bảo đảm hệ thống có năng lực cung cấp báo cáo phân tích, tổng hợp phục vụ quản lý nhà nước và phân tích, nghiên cứu chính sách;
- Đầu tư, nâng cấp và thực hiện giải pháp công nghệ, trang thiết bị phục vụ bảo đảm việc quản trị, vận hành và nâng cấp, mở rộng Hệ thống đăng ký trực tuyến hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tư pháp nhằm duy trì và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phòng chuyên môn của Cục và các Trung tâm đăng ký đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo định kỳ hoặc đột xuất bằng hình thức trực tuyến (không bao gồm nội dung thuộc bí mật nhà nước).
Việc đạt được các mục tiêu chiến lược thông qua các nhiệm vụ cụ thể nêu trên cùng lộ trình thực hiện hợp lý, khoa học là cơ sở bảo đảm thành công cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông./.