Ngày 01/10, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030. Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc quy định về thứ tự ưu tiên phân bổ vốn giúp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở sắp xếp, dự kiến phương án bố trí vốn hợp lý trong phạm vi kế hoạch đầu tư công được giao. Bên cạnh đó, với việc phân bổ vốn theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức đã bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng tính khả thi khi triển khai, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 vẫn chưa bao quát được hết toàn bộ các nội dung trong từng ngành, lĩnh vực; chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương; chưa có cơ chế để xác định, ràng buộc trách nhiệm của ngân sách địa phương trong việc dành nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đối với các dự án quan trọng, trọng điểm, liên vùng có tác động lan tỏa…
Vì vậy, việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 là cần thiết để làm cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Đồng thời bảo đảm việc phân bổ vốn đúng mục tiêu, nâng cao hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong quản lý, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết; đồng thời cho rằng cần ban hành Nghị quyết sớm để khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn. Bên cạnh đó, các thành viên cũng cho một số ý kiến cụ thể để hoàn thiện nội dung dự thảo.
Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các ngân hàng thương mại triển khai rất tích cực, hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng vay vốn để tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy phát triển vào các lĩnh vực mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên. Tuy nhiên, đến nay nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vẫn còn hạn chế.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trái).
Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung “phân bố đủ vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng do thực hiện các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa bố trí chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030” vào khoản 8 Điều 4 dự thảo.
Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Về ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030, theo đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc đầu tư trụ nước phòng cháy, chữa cháy chưa được quy định rõ là thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội hay lĩnh vực khác. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung này để có cơ sở xác định nhóm dự án và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin