Đắk Nông: Đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức

21/08/2024
Đắk Nông: Đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức
Ngày 19/08, Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp do Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên làm Trưởng đoàn đã phối hợp kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).
Nhiều khó khăn về kinh phí, trang thiết bị
Tại buổi kiểm tra, đại diện UBND xã Nhân Cơ đã Báo cáo công tác hòa giải ở cơ sở; Chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn.
Cụ thể: Về thực hiện luật hòa giải cơ sở: UBND xã đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn trên địa bàn xã; Số lượng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ về hòa giải cơ sở được tuyên truyền, phổ biến năm 2023 và năm 2024: 8 tuyên truyền viên; Thực hiện hơn 300 lượng phát thanh; Tổ chức 11 lớp với 390 lượt người tham gia về tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở. Thời gian qua, UBND xã Nhân Cơ thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Hiện, trên địa bàn xã có 11 tổ hòa giải với 80 hòa giải viên; Tổng số vụ việc đã tiến hành hòa giải là 18 vụ, trong đó, riêng năm 2023 có 14/14 vụ việc hòa giải thành (đạt 100%). Đa số các vụ việc mâu thuẫn, phát sinh trong lĩnh vực đất đai, mâu thuẫn giữa các bên, có vụ có tính chất ít nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2024 hòa giải 4 vụ việc, trong đó hòa giải thành là 2, không thành là 2 vụ việc.


Các đại biểu UBND xã Nhân Cơ

Về kết quả thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, UBND xã Nhân Cơ đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 26 ngày 01/03/2023 về việc triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và Kế hoạch số 10 ngày 06/02/2024 về công tác tuyên truyền PBGDPL; Hòa giải cơ sở; Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. Quyết định số 142 ngày 15/12/2023 về việc phân công nhiệm vụ theo dõi thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng xã Nhân Cơ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023.
Cùng thời gian trên, UBND xã Nhân Cơ đã tổ chức triển khai nhiều đợt tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp xuống 11 thôn, bon bằng hình thức tuyên truyền miệng và tuyên truyền qua đài truyền thanh.


Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ

Đối với chỉ tiêu 18.4 "Tiếp cận pháp luật"; Tiêu chí số 18 Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Tiêu chí 1 xã đạt 10 điểm; Tiêu chí 2 xã đạt 28,5 điểm; Tiêu chí 3 xã đạt 15 điểm; Tiêu chí 4 xã đạt 20 điểm; Tiêu chí 5 xã đạt 24 điểm; Tổng số điểm đạt được của 5 tiêu chí là 97,5/100 điểm.
Đối với Tiêu chí 16; Xã Nhân Cơ có 1 mô hình PBGDPL hoạt động tương đối hiệu quả, đáp ứng tiêu chí 2 "Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật" theo quy định của Quyết định số 25/2021 ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Trên địa bàn xã có 11 tổ hòa giải/11 thôn, bon, trong đó có 2 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả gồm Tổ hòa giải thôn 4 và thôn 12. Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được hòa giải thành là hơn 90%.
Đặc biệt, UBND xã Nhân Cơ đã lồng ghép nội dung trợ giúp pháp lý trong các buổi tuyên truyền, PBGDPL tại thôn. Năm 2023 có 157/174 người thuộc đối tượng yếu thế được tiếp cận thông tin trợ giúp pháp lý (đạt hơn 90%). Đến năm 2024, UBND xã Nhân Cơ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023 (trong đó xã đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật).


Đại biểu UBND xã Nhân Cơ

Ngoài những thuận lợi, UBND xã Nhân Cơ đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá công nhận xã phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt; Địa lý đặc thù phức tạp gây hạn chế trong việc thông tin nghe, nhìn của người dân; Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải cơ sở thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau gây khó khăn trong việc mở sổ theo dõi cập nhật, nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền cũng như tham gia các buổi, đợt triển khai công tác PBGDPL xuống các thôn, bon.
Đặc biệt, nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên kinh phí cho các hoạt động, con người còn chậm và chưa cao, chưa đáp ứng được. Hòa giải viên hoạt động chủ yếu trên tinh thần tự nguyện nên thiếu chủ động và nhiệt tình trong hoạt động. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh.
Kịp thời khắc phục những hạn chế
Trong ngày, Đoàn kiểm tra cũng đã tiếp cận, kiểm tra thực tế hồ sơ lưu trữ và các tài liệu liên quan. Ngoài những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở của xã Nhân Cơ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Hồ sơ công nhận, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở còn chưa đầy đủ. Một số hòa giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải.


Thành viên Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp

Về đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn một số nội dung chỉ tiêu, tiêu chí chưa bảo đảm như: Chưa ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Chưa thực hiện việc lập, cập nhật Danh mục thông tin phải công khai theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Nội dung Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 còn chung chung, chưa bám sát vào tình hình thực tiễn của địa phương, chưa thể hiện các hoạt động cụ thể, một số nhiệm vụ không thuộc chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, khó bảo đảm tính khả thi.
Ông Trần Thanh Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông ghi nhận những tồn tại và hạn chế mà đoàn kiểm tra chỉ ra. Đồng thời, đề nghị UBND xã Nhân Cơ có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trên. Từ đó, UBND huyện có sự tổng hợp, đánh giá và rút kinh nghiệm. Về công tác phổ biến, cần có đối tượng rộng hơn, phương pháp dễ tiếp cận hơn, kiến thức chuyên sâu hơn.


Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông phát biểu

Phát biểu tại kiểm tra, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đánh giá cao những tích cực, nỗ lực và kết quả đạt được của UBND xã Nhân Cơ trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, dù phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều, nguồn lực hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới cũng như yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn xây dựng, hoàn thiện thể chế với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đề nghị chính quyền xã Nhân Cơ cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.


Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên

Ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh: Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, Phòng Tư pháp huyện Đắk R’Lấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cấp xã trên địa bàn; Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong thẩm định hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp xã; Chú trọng việc tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên đề về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật. Qua đó, hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc; Tham mưu tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk R’Lấp quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới.
Đặc biệt, cần có chế độ khen thưởng, hỗ trợ kịp thời đối với đội ngũ hòa giải viên, đây là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở.
 
Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã triển khai khảo sát qua phiếu phục vụ đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ và xã Đắk Wer, huyện Đắk’Lấp. Đây là những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động phục vụ sơ kết tình hình triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp năm 2024.
Tư Lập