Bộ Tư pháp Hội thảo đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật

21/08/2024
Bộ Tư pháp Hội thảo đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật
Sáng 20/8, tại Đắk Nông, Bộ Tư pháp đã tổ chức "Hội thảo đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật". Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL làm Trưởng đoàn chủ trì hội thảo.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông; Ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk cùng 135 đại biểu đến từ các địa phương Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng và Kon Tum.
Vị trí, vai trò quan trọng của TCPL
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục BPGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) có vị trí, vai trò đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, phục vụ xây dựng Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 25/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Quyết định 1143 ngày 20/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung tiêu chí TCPL trong đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh.


Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục BPGDPL, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội thảo

Thời gian qua, việc triển khai công tác chỉ đạo, hướng dẫn đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện và dần đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả nhất định.
Riêng năm 2022-2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra, khảo sát về công tác đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL thực hiện tiêu chí TCPL. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2022 có 10.086/10.596 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn TCPL (đạt 95,2%). Năm 2023, có 10.177/10.578 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn TCPL (đạt 96,1%).


Các đại biểu tại hội thảo.

Từ đó cho thấy các cấp chính quyền đã nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của TCPL trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của chính quyền địa phương.
Ngoài việc nắm bắt tình hình triển khai Đề án Tăng cường năng lực TCPL cho người dân (Đề án 977). Đây cũng là dịp để các đại biểu được báo cáo viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn chia sẻ, trao đổi về những khó khăn, bất cập cũng như đưa ra các hướng giải quyết, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này ở cơ quan, đơn vị và các địa phương trong thời gian tới.


Chuyên viên Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Tâm giới thiệu điểm mới của Quyết định số 1143

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tâm, Chuyên viên Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đã giới thiệu điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/06/2024 ban hành hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu TCPL trong đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh và một số lưu ý trong triển khai công tác đánh giá, công nhận chuẩn TCPL.
Phần trình bày khoa học, ngắn gọn trên đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về các chỉ tiêu 18.4 thuộc Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tiêu chí 16 trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Chỉ tiêu 9.5 thuộc Tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; Chỉ tiêu 9.6, 9.7 trong Bộ Tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện nông thôn mới đặc thù và chỉ tiêu 9.4 thuộc Tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh.
Nhiều khó khăn, lúng túng
Tại hội thảo, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông trình bày tham luận: Kết quả triển khai công tác đánh giá, công nhận TCPL và Đề án 977 trên địa bàn tỉnh. Qua tham luận, Sở Tư pháp Đắk Nông xác định công tác triển khai, đánh giá một số chỉ tiêu, tiêu chí TCPL trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của một số xã trong triển khai nhiệm vụ còn chưa đầy đủ; Số liệu, thông tin giữa báo cáo và tài liệu đánh giá được lưu trữ còn chưa thống nhất; Một số chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu tài liệu kiểm chứng.


Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông

Như tiêu chí "Có mô hình điển hình về PBGDPL và mô hình điển hình về hòa giải cơ sở" trong tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hầu hết các địa phương đều chú trọng triển khai thực hiện tại các cơ sở và đều có mô hình điển hình hoạt động. Tuy nhiên, khi kiểm tra, đánh giá lại chưa đảm bảo đúng thành phần hồ sơ theo yêu cầu của tiêu chí như công tác khen thưởng đối với mô hình, một số đơn vị không có đề nghị khen thưởng, không có quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền.
Thứ hai, khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa của địa phương còn hạn hẹp cả về nhân lực lẫn vật lực. Việc huy động đội ngũ luật gia, thẩm phán, an ninh tham gia vào công tác hòa giải tại cơ sở hầu như không thực hiện được vì không có chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể. Việc bố trí kinh phí cho hòa giải ở cơ sở cũng hạn chế do Đắk Nông có nguồn thu ngân sách ít.
Thứ ba, một số công chức tư pháp, hộ tịch chưa phân định, thống kê rõ về vụ việc thuộc phạm vi hòa giải cơ sở với những việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên hay tòa án.


Ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk

Ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk cũng chia sẻ những khó khăn khi triển khai Quyết định 25 và Thông tư 09 của địa phương mình như: Một số UBND cấp xã, Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL còn gặp lúng túng, khó khăn, chủ yếu là nhận thức chưa đúng về nội dung của các tiêu chí, chỉ tiêu; Chưa nắm rõ quy định về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL; Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền của một số đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm được giao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Một số đơn vị cấp huyện, cấp xã vẫn chưa hiểu rõ về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL và cách chấm điểm một số chỉ tiêu TCPL; Nguồn lực, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 25 và Thông tư số 09 còn hạn chế, chưa tương xứng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc triển khai xây dựng, vận hành phần mềm đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định chưa được triển khai...
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk đề xuất Bộ Tư pháp: Tiếp tục rà soát, đối chiếu nội dung các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL với các văn bản pháp luật có liên quan và các biểu mẫu có nhiều số liệu với phương thức thực hiện thủ công (biểu mẫu 09 của Thông tư số 09/2021/TT-BTP) để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, thống nhất, đảm bảo việc đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí sát với thực tế; Sớm triển khai xây dựng hệ thống phần mềm điện tử về quản lý, xây dựng, đánh giá TCPL, nhằm giảm gánh nặng, tăng hiệu quả của tổng hợp, lưu trữ hồ sơ tài liệu kiểm chứng, đáp ứng yêu cầu về tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác; Tiếp tục tạo điều kiện tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ lãnh đạo, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện nhiệm vụ này tại các địa phương; Tổng hợp các mô hình, cách làm hay trong triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL gắn với các Bộ tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn mình để các địa phương tham khảo, học hỏi kinh nghiệm; Cuối cùng là có ý kiến đề xuất Bộ Nội vụ bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL trong quá trình tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Một số đại biểu cũng nêu những khó khăn của địa phương mình khi triển khai công tác như về sự thống nhất thời gian giữa thẩm tra, thẩm định hồ sơ với các văn bản kiểm chứng; Tiêu chí 18.4 và tiêu chí 16, đối với nông thôn mới nâng cao tại địa phương thiếu cơ sở để đánh giá, báo cáo.
Với những khó khăn của từng địa phương thuộc thẩm quyền của mình các thành viên của Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã trao đổi, tháo gỡ kịp thời.


Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục BPGDPL, Bộ Tư pháp

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong triển khai công tác đánh giá, công nhận TCPL và Đề án 977 trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần chú trọng đánh giá thực tiễn, tránh hình thức, làm sao xây dựng môi trường lành mạnh, tốt nhất cho người dân thụ hưởng quyền của mình. Vì thế, các địa phương cần chung tay với Trung ương, các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai công tác. Đối với những đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc sẽ được tổng hợp, báo cáo gửi về Bộ Tư pháp trong thời gian sớm nhất./.
Tự Lập