Để triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 121/2020/NQ-QH ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024 của Vụ Con nuôi đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 3114/QĐ-BTP ngày 29/12/2023, trong các ngày từ 13 đến 16 tháng 8 năm 2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức Đoàn công tác đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước và tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi để phòng ngừa tình trạng nuôi con nuôi trái pháp luật tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Đoàn công tác do đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Con nuôi làm Trưởng Đoàn cùng các thành viên là chuyên viên Vụ Con nuôi.
Tại hai tỉnh, Đoàn đã có buổi làm việc với các cơ quan liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi ở địa phương bao gồm: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, đại diện các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tại Kon Tum, cùng với các cơ quan, đơn vị nói trên, tham gia buổi làm việc còn có đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, công tác tổ chức thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo và trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan tham mưu thực hiện công tác nuôi con nuôi trên địa bàn. Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bản tỉnh Gia Lai có 08 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá nhu cầu trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định hiện hành của pháp luật tại các cơ sở công lập và những cơ sở ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động, không có trẻ em nào có nhu cầu tìm gia đình thay thế.
Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai có 25 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 12 trường hợp. Và trong năm 2023, có 01 trường hợp trẻ em trên địa bàn tỉnh được giải quyết làm con nuôi nước ngoài; 6 tháng đầu năm 2024, không phát sinh trường hợp nào.
Tại tỉnh Kon Tum, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thực hiện. Hàng năm, Sở Tư pháp đôn đốc các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi đảm bảo theo đúng quy định. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 761 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại 06 cơ sở trợ giúp xã hội. Qua rà soát, đánh giá nhu cầu trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định hiện hành của pháp luật tại các cơ sở trợ giúp xã hội, không có trẻ em nào có nhu cầu tìm gia đình thay thế.
Về kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi, tương tự như Gia Lai, số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn rất hạn chế. Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 12 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 04 trường hợp. Năm 2023, Kon Tum chỉ có 01 trường hợp trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2024, không phát sinh trường hợp nào.
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác được biết, công tác an ninh liên quan đến việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum được công an tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong thời gian qua, công an tỉnh không nhận được phản ánh nào liên quan đến việc lợi dụng nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, đồng thời, cũng không có trường trẻ em nào bị mua bán và cho làm con nuôi.
Đại diện Đoàn công tác – Ông Đặng Trần Anh Tuấn đã giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiệp vụ nuôi con nuôi mà các địa phương đã trao đổi, thảo luận, Đồng thời, Ông Tuấn cũng tập trung nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của địa phương cần làm tốt công tác rà soát, đánh giá nhu cầu trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định tại Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tránh tình trạng trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở trợ giúp xã hội; cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động cho, nhận con nuôi để mua bán trẻ em; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân về vấn đề nuôi con nuôi; phối hợp thường xuyên và hiệu quả giữa các cơ quan liên quan ở địa phương trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra về việc đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ sở. Bên cạnh đó, đại diện Đoàn công tác cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền giải quyết tại địa phương.
Tại Gia Lai và Kon Tum, Đoàn công tác đã tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho gần 300 học viên, gồm công chức làm công tác hộ tịch của Sở Tư pháp, phòng Tư pháp và toàn bộ công chức tư pháp – hộ tịch của các xã trên địa bàn 02 tỉnh, kết hợp với việc kiểm tra hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi đã được thực hiện của một số xã/phường trên địa bàn. Nội dung tập huấn tập trung vào việc giới thiệu các quy định cơ bản của pháp luật nuôi con nuôi, quy trình, nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước và kỹ năng xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế. Các học viên tham gia tập huấn tích cực đặt các câu hỏi cho các báo cáo viên. Qua trao đổi, thảo luận, một số vướng mắc khó khăn trong thực tiễn giải quyết việc nuôi con nuôi đã được các học viên thảo luận và được giải đáp tại hội nghị./.
Trần Thị Ngọc Trâm