Chia sẻ thực tiễn hành nghề luật sư, kinh nghiệm xử lý tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp

16/08/2024
Chia sẻ thực tiễn hành nghề luật sư, kinh nghiệm xử lý tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp
Trong 02 ngày 14, 15/8/2024, Học viện Tư pháp phối hợp với Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tổ chức hội thảo “Chia sẻ thực tiễn hành nghề luật sư và kinh nghiệm xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp”.
Dự Hội thảo, phía Đức có TS. Christiann Lemke - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư liên bang Đức, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư khu vực Hamburg, Luật sư tại Văn phòng Luật sư Heisser & Struck, Hamburg, Đức; bà Swetlana Schaworonkowa - Luật sư và cố vấn pháp lý cao cấp, Đoàn Luật sư liên bang Đức; bà Angela Lummel - Quản lý dự án của IRZ. Phía Học viện Tư pháp có PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cùng các giảng viên của Học viện.
Trong khuôn khổ triển khai Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2023, Học viện Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với một số đối tác từ CHLB Đức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo, các phiên tòa giả định, đoàn ra, xây dựng học liệu, tài liệu, giáo trình.
Tiếp nối các thành công trên và nhằm triển khai Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Học viện Tư pháp phối hợp với Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, Cộng hòa liên bang Đức tổ chức hội thảo “Chia sẻ thực tiễn hành nghề luật sư và kinh nghiệm xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp” tạo cơ hội cho giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của Học viện, đặc biệt là học viên các chương trình đào tạo luật sư, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp, học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết trong việc hành nghề luật sư trên thực tế và xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư từ các chuyên gia là các luật sư giỏi và có bề dày kinh nghiệm của CHLB Đức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp mong muốn các đại biểu tham dự tích cực đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia từ CHLB Đức.
 

TS. Christiann Lemke - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư liên bang Đức, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư khu vực Hamburg, Luật sư tại Văn phòng Luật sư Heisser & Struck, Hamburg, Đức chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo


Bà Angela Lummel - Quản lý dự án của IRZ phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Đức rất tâm huyết, nhiệt tình chia sẻ về hành nghề luật tại Đức: hệ thống Đoàn Luật sư tại Đức, các quy định của pháp luật về nghề nghiệp, cấp phép hành nghề luật sư tại Đức, quyền lợi và nghĩa vụ của nghề luật bao gồm cả những quy tắc đạo đức, nguyên tắc tự quản, cơ cấu tổ chức, luật sư chuyên ngành, luật sư nước ngoài tại Đức. Đây là những thông tin rất bổ ích và cần thiết để các học viên tại Học viện Tư pháp và các luật sư tại Việt Nam học hỏi, vận dụng trong hoạt động hành nghề và đồng thời cũng là nguồn thông tin kiến thức để sử dụng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp.
Các đại biểu trao đổi những vấn đề chung của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quan hệ với khách hàng và thực tiễn thực hiện quy tắc tại Việt Nam; những vấn đề chung của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, nhà nước khác và thực tiễn thực hiện quy tắc này tại Việt Nam…Nghề Luật sư hiện nay ở Việt Nam được biết đến với sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là sứ mệnh nghề nghiệp được khẳng định và đúc rút từ nhiều thập kỷ phát triển của nghề Luật sư ở Việt Nam, trải qua các giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Các đại biểu cũng đánh giá chung về hệ thống và môi trường thể chế pháp lý bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển của Nghề luật sư tại Việt Nam. Hiện nay, đa phần các Luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư vẫn tập trung phần lớn ở những thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và những địa phương có sự phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo số liệu báo cáo tổng kết của 63 địa phương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì số lượng Luật sư hành nghề thực tế đến nay đã đạt tới con số hơn 18.200 luật sư. Trung bình mỗi năm tăng thêm gần 1.000 luật sư (tính từ thời điểm Luật Luật sư ra đời cho đến nay). Ngoài số lượng Luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thì tính đến tháng 12/2022, Việt Nam hiện có 93 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (37 chi nhánh, 56 công ty luật) và hơn 300 luật sư nước ngoài (như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản…) hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
 

Thay mặt Lãnh đạo Học viện Tư pháp, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cảm ơn Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, Cộng hòa liên bang Đức đã hợp tác, hỗ trợ Học viện Tư pháp thực hiện hoạt động. Bà mong rằng trong chặng đường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực pháp lý cho Việt Nam trong thời gian tới, Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ từ Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, Cộng hòa liên bang Đức. Học viện Tư pháp tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong thời gian qua sẽ luôn được duy trì, củng cố và mở rộng hơn nữa.
PGS.TS Nguyễn Minh Hằng cũng cảm ơn các chuyên gia từ CHLB Đức và các đại biểu đã dành thời gian, tâm huyết, nhiệt tình chia sẻ, trao đổi về thực tiễn hành nghề luật sư và kinh nghiệm xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp.
Thanh Hương