Thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (sau đây gọi là Nghị quyết 121/2020/QH14) và Kế hoạch công tác năm 2024 được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, ngày 08 và 09/8/2024, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng, chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi.
Hội nghị diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, do bà Phạm Thị Kim Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp chủ trì cùng với sự tham gia của đại diện các Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội của các tỉnh miền Bắc và một số Phòng Tư pháp, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đây là Hội nghị tập huấn chuyên sâu đầu tiên về phòng chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi được Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tổ chức. Mở đầu Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Anh đã có những đánh giá chung về tình hình giải quyết nuôi con nuôi và định hướng công tác nuôi con nuôi nhằm phòng chống mua bán người. Tiếp theo đó, nhằm nhận diện các quy định của pháp luật nuôi con nuôi có lồng ghép nội dung phòng chống mua bán người, những hiện tượng trên thực tiễn có thể tiềm ẩn hành vi mua bán trẻ em, báo cáo viên Vụ Con nuôi đã trình bày chuyên đề về phòng chống mua bán người, các biện pháp tăng cường phòng chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi, hướng dẫn quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm phòng chống mua bán người, từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
|
|
Sau khi nghe các báo cáo viên trình bày các chuyên đề và gợi mở vấn đề cần trao đổi, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận. Về cơ bản, các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa và sự thiết thực của Hội nghị tập huấn. Một số đại biểu chia sẻ cách thức triển khai thực hiện Công văn số 4260/BTP-CN ngày 30/7/2024 của Bộ Tư pháp về việc đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động cho, nhận con nuôi để mua bán trẻ em (Công văn số 4260/BTP-CN) và đang phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để rà soát theo yêu cầu. Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An cho biết, bên cạnh công tác tập huấn về phòng chống mua bán người, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh Nghệ An để xây dựng một phóng sự về nuôi con nuôi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) triển khai nhân rộng nội dung tập huấn này cho các địa phương trong cả nước, đặc biệt là cấp cơ sở bởi các quy định của pháp luật nuôi con nuôi có lồng ghép nội dung phòng chống mua bán người hiện nay chủ yếu thuộc về trách nhiệm của những cơ quan như: Cơ sở nuôi dưỡng (tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo), Ủy ban nhân dân cấp xã (lấy ý kiến của những người có liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi trong nước), Sở Tư pháp (thủ tục giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài và lấy kiến của những người có liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài), Công an cấp tỉnh (xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được giải quyết làm con nuôi nước ngoài).
Về những nội dung khác, các đại biểu đã đưa ra một số vướng mắc liên quan đến việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Đề xuất yêu cầu người dân cung cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 thay vì Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 để đảm bảo xác định đầy đủ, chính xác điều kiện của người nhận con nuôi và sự cần thiết phải có sự phối hợp của cán bộ làm công tác xã hội với công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã.
Kết thúc Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Anh quán triệt thực hiện một số văn bản chỉ đạo quan trọng như: Nghị quyết 121/2020/QH14, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 –2030, Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Công văn số 4260/BTP-CN. Đồng thời, nhấn mạnh Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đảm bảo công tác giải quyết nuôi con nuôi được thực hiện đúng, đủ theo quy định của pháp luật, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
*Một số hình ảnh tại Hội nghị tập huấn