Áp dụng các phương pháp tuyên truyền, PBGDPL mang tính tương tác cao phù hợp với người chưa thành niên

14/05/2024
Áp dụng các phương pháp tuyên truyền, PBGDPL mang tính tương tác cao phù hợp với người chưa thành niên
Ngày 14/5, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Tọa đàm góp ý Sổ tay dành cho tuyên truyền viên pháp luật về kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng sống cho người chưa thành niên nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật.
TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em Dự án UNICEF tại Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm. Tham gia Tọa đàm là các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, người chưa thành niên là bộ phận quan trọng của xã hội. Trong giai đoạn này, các em trải qua nhiều biến động về tâm, sinh lý, có nhu cầu khẳng định bản thân mạnh mẽ nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động từ bạn bè, môi trường sống, chưa có năng lực đầy đủ để kiềm chế bốc đồng và ra quyết định đúng đắn. Chính vì vậy, người chưa thành niên dễ có các hành vi “nổi loạn”, hành vi “lệch chuẩn”, kể cả vi phạm pháp luật (VPPL).


TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Tọa đàm.
 
Theo thống kê của Bộ Công an, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật hàng năm vẫn cao, mức độ vi phạm pháp luật rất đáng báo động. Nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật cho người chưa thành niên, việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người chưa thành niên có ý nghĩa hết sức quan trọng. 
Về việc phòng ngừa vi phạm pháp luật cho người chưa thành niên, TS. Ngô Quỳnh Hoa cho biết, cần trang bị cho người chưa thành niên những kiến thức pháp luật quan trọng như: những điều mà pháp luật cho phép, những hành vi bị cấm và các chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm pháp luật. Ngoài ra, người chưa thành niên cũng cần được tiếp nhận thông tin theo hướng tương tác cao, trao đổi, thảo luận để tự tìm ra giải pháp với sự hỗ trợ, định hướng của tuyên truyền viên pháp luật. Đồng chí cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong công tác PBGDPL và giáo dục kỹ năng sống cho người chưa thành niên thì cần phải áp dụng cách thức PBGDPL theo cách tiếp cận liên ngành, đồng thời lồng ghép các nội dung liên quan đến các chất gây nghiện, sức khỏe sinh sản vào nội dung PBGDPL, với sự tham gia của các cán bộ liên quan như cán bộ y tế.
Để nâng cao hiệu quả hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL và giáo dục kỹ năng sống cho người chưa thành niên, các chuyên gia đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn Sổ tay dành cho tuyên truyền viên pháp luật.


Bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em Dự án UNICEF tại Việt Nam phát biểu.
 
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em Dự án UNICEF tại Việt Nam thông tin thêm công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức pháp luật nói chung được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đây như giải pháp cốt lõi để phòng ngừa và tuân thủ pháp luật. Để thúc đẩy công tác tuyên truyền PBGDPL, cuốn Sổ tay sẽ hướng dẫn tuyên truyền viên thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL: tuyên truyền nội dung gì, bắt đầu ra sao; các phương pháp tuyên truyền, PBGDPL linh hoạt, hiệu quả…




Các chuyên gia trình bày chuyên đề tại Tọa đàm.

Sau khi nghe các chuyên gia trình bày về 5 chuyên đề, các đại biểu tham dự Tọa đàm đánh giá cao nội dung và thiết kế của cuốn Sổ tay. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp thêm một số ý kiến hoàn thiện cuốn Sổ tay như: thiết kế tài liệu làm sao để các tuyên truyền viên có phương pháp tiếp cận và triển khai phù hợp nhằm đưa văn bản pháp luật đến với người chưa thành niên để họ nhận thức được hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật; cần có cách tiếp cận với từng vùng miền; chuyên đề 2 trong cuốn Sổ tay cần tách riêng mục ma túy, mục tác hại của ma túy và các chất gây nghiện khác để tuyên truyền viên phân biệt được ma túy với các chất gây nghiện khác...
 
Cuốn Sổ tay gồm 2 phần: 
- Phần 1 gồm 5 chuyên đề: Pháp luật hiện hành về phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên; người chưa thành niên và chất gây nghiện; Sức khỏe sinh sản với người chưa thành niên; Một số kỹ năng sống cơ bản dành cho người chưa thành niên; Kỹ năng PBGDPL hiệu quả cho người chưa thành niên. 
- Phần 2 là kế hoạch bài giảng cho 5 chuyên đề trên để hỗ trợ tuyên truyền viên pháp luật trong việc PBGDPL.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:






Một số đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.
 
NH