Trao đổi kinh nghiệm với Nhật Bản trong công tác thi hành án dân sự

11/03/2024
Trao đổi kinh nghiệm với Nhật Bản trong công tác thi hành án dân sự
Sáng 11/3, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác THADS”. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS và ông Onishi Hiromichi, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Giới thiệu khái quát về THADS ở Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS cho biết đây là hoạt động nhằm hiện thực hoá các bản án, quyết định của tòa án, trọng tài liên quan đến các vấn đề tài sản và nhân thân trong các vụ việc hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình. Các phán quyết được thi hành kịp thời, nghiêm minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, duy trì ổn định, trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoạt động THADS có ý nghĩa sống còn đối với niềm tin của công chúng vào cơ quan tư pháp, là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, khai thông nguồn lực tài chính, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, là động lực tất yếu cho phát triển kinh tế.
 

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong thời gian qua, hoạt động THADS đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ trong nhận thức đến hành động của cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng THADS. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế như: thời gian còn kéo dài, chi phí còn cao; số việc chuyển kỳ sau, chưa có điều kiện thi hành còn lớn...
Để góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác THADS tại Việt Nam, Hội thảo hôm nay lựa chọn 04 nhóm chủ đề trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, gồm: quyền, nghĩa vụ của đương sự; kê biên tài sản; thẩm định giá, đấu giá tài sản và xử lý vốn góp để thi hành án. Các nội dung này áp dụng được với hầu hết các loại việc THADS, nhất là gắn liền với các loại án về kinh doanh thương mại. 
Đồng chí đề nghị các báo cáo viên, các đại biểu tham dự Hội thảo tích cực chia sẻ, thảo luận về những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tại Việt Nam, xác định được nguyên nhân từ thể chế, từ thực tiễn; nghiên cứu, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm tốt của các chuyên gia Nhật Bản. Đồng thời, đồng chí cũng hy vọng Hội thảo sẽ giúp cho các chuyên gia Nhật Bản hiểu thêm về những nỗ lực, kết quả, thành công và cả những thách thức của Việt Nam, từ đó có thể xem xét hỗ trợ Việt Nam trong công tác THADS thời gian tới.
 

Ông Onishi Hiromichi, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tại Việt Nam.

Bày tỏ vinh dự được tham dự Hội thảo, ông Onishi Hiromichi, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tại Việt Nam mong muốn các đại biểu tham dự sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến thẳng thắn, có tính chuyên môn cao; đồng thời hy vọng những kinh nghiệm trong công tác THADS của Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao chất lượng THADS ở Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận: Một số bất cập trong quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong THADS tại Việt Nam; khó khăn, vướng mắc của Việt Nam trong việc kê biên tài sản THA, thẩm định giám bán đấu giá tài sản thi hành án, trong xử lý tài sản là vốn góp để thi hành án.   
 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS.

Về phía Nhật Bản, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác THADS về các vấn đề quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, kê biên tài sản THA, kinh nghiệm trong xử lý tài sản là giấy tờ có giá, cổ phần, cổ phiếu, vốn góp... Trên cơ sở trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đồng thời nêu lên các kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện pháp luật THADS.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác THADS” là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Thông qua Hội thảo sẽ giúp các chuyên gia Nhật Bản hiểu thêm về những nỗ lực, kết quả, thành công và cả những thách thức của Việt Nam, từ đó có thể xem xét hỗ trợ Việt Nam trong công tác THADS thời gian tới.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin