Ngày 8/3/2024, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk kỷ niệm 05 năm ngày thành lập trường (12 /02/2019 – 12/02/202 4 ). Qua 05 năm thành lập và đi vào hoạt động, Phân hiệu đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho ngành Tư pháp và Đất nước, góp phần xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường.
PV: Thưa TS. Đoàn Trung Kiên, đến nay Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã trải qua 05 năm xây dựng và phát triển, ông có thể làm rõ hơn quá trình hình thành và phát triển Phân hiệu?
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (Phân hiệu) được thành lập theo Quyết định số 310/QĐ-BGDĐT ngày 12/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phân hiệu được thành lập là một trong những giải pháp quan trọng trong Đề án của Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, đồng thời gắn với nhiệm vụ chiến lược quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực cho các khu vực khó khăn, cần ưu tiên đầu tư như khu vực Tây Nguyên.
Phân hiệu ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Trường Đại học Luật Hà Nội, thực hiện hiệu quả chủ trương rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Mục tiêu thành lập được xác định trong Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk, bao gồm: Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật cho khu vực Tây Nguyên vì đây là khu vực trọng yếu về an ninh - quốc phòng và kinh tế, xã hội của đất nước; Thực hiện mục tiêu tăng qui mô đào tạo theo hướng giảm dần đào tạo vừa làm, vừa học và tăng cường đào tạo chính qui. Thành lập phân hiệu để đào tạo đại học chính qui và sau đại học, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để đồng bào Tây Nguyên được học chính qui ngay tại địa bàn; Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk, khu vực Tây Nguyên.
Bộ trưởng Lê Thành Long và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT trao Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk.
Phân hiệu có chức năng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành về pháp luật; thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; phổ biến, giáo dục pháp luật và cung ứng các dịch vụ đào tạo, dịch vụ pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật, của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Sau khi có Quyết định thành lập Phân hiệu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-BTP ngày 13/5/2019 về việc giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột từ ngày 31/12/2019 và chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất, quyền sử dụng đất, tài sản, tài chính, nhân sự cho Phân hiệu. Quyết định đã đề ra lộ trình, giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người học, viên chức và người lao động, phương án giải quyết tài sản, cơ sở vật chất, nghĩa vụ tài chính của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, đồng thời xác định trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tư pháp. Việc tiếp nhận toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, nhiệm vụ của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột chính là một trong những tiền đề thuận lợi giúp Phân hiệu sớm ổn định phát triển.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1092, Trường tiếp nhận toàn bộ công tác đào tạo học sinh trung cấp luật từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột với số lượng 62 học sinh của 02 khóa (K10, K11). Phân hiệu đã tổ chức đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho người học theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, kết quả có 50/62 học sinh hoàn thành chương trình học và được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp ngành Luật (đạt 80,6% số lượng học sinh tiếp nhận từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột), kết thúc đào tạo học sinh hệ trung cấp tại Phân hiệu trong năm 2021.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh thăm và làm việc tại Phân hiệu.
Trường Đại học Luật Hà Nội đã tiếp nhận từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột 10 viên chức lãnh đạo quản lý. Nhà trường đã triển khai 02 đợt kiểm tra sát hạch xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp giảng viên đối với 20 viên chức (18 giáo viên, 02 chuyên viên), kết quả có 15/18 viên chức được chuyển chức danh nghề nghiệp từ giáo viên trung học, chuyên viên sang chức danh nghề nghiệp giảng viên và đã hoàn thành thực tập chuyên môn. Đến ngày 20/9/2021, Trường đã hoàn thành phân công, bố trí viên chức, người lao động tiếp nhận từ Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột sang làm việc tại các đơn vị thuộc Phân hiệu.
Toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất do Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đang quản lý và sử dụng được hoàn thành điều chuyển sang Trường Đại học Luật Hà Nội theo Quyết định số 3247/QĐ-BTP ngày 31/12/2019, Quyết định số 3248/QĐ-BTP ngày 31/12/2019, Quyết định số 3249/QĐ-BTP ngày 31/12/2019, Quyết định số 3250/QĐ-BTP ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc điều chuyển tài sản. Với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư mới, đồng bộ của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột điều chuyển sang, Nhà trường không phải đầu tư xây dựng mới mà chỉ triển khai sơn, sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng công trình và có thể sử dụng ngay phục vụ công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Phân hiệu.
PV: Thưa TS. Đoàn Trung Kiên, sau gần 05 năm xây dựng và phát triển, Phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ông có thể cho biết thêm một số thành tựu của nhà trường?
Sự ra đời của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp. Qua 05 năm thành lập và đi vào hoạt động, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc, Phân hiệu đã triển khai đồng bộ, chủ động, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nổi bật ở mọi mặt công tác.
Cụ thể, về tổ chức bộ máy, nhân sự, các quy định về tổ chức và hoạt động của Phân hiệu đã được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi cho Phân hiệu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong năm 2023, Phân hiệu đã tham mưu Hiệu trưởng ký ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk theo hướng phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ hơn, tạo sự chủ động hơn cho công tác của Phân hiệu; tiếp tục tạo cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý một số công việc chuyên môn, đơn giản hóa thủ tục thỉnh giảng, mời báo cáo viên tại Phân hiệu.
Đồng chí H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng hoa chúc mừng Phân hiệu tại Lễ tốt nghiệp lớp 4435 hệ Đại học chính quy.
Về tuyển sinh, đào tạo, tính đến nay, Phân hiệu đã tuyển sinh được 05 khóa đại học chính quy, 02 lớp liên thông đại học vừa làm vừa học, 02 lớp đại học văn bằng 1 vừa làm vừa học, 04 lớp đại học văn bằng 2 vừa làm vừa học và 06 lớp cao học luật.
Phân hiệu đã và đang tổ chức, quản lý đào tạo 24 lớp với số lượng người học là 1.101 sinh viên, học viên. Sinh viên chính quy của Phân hiệu đến từ 49 tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk với 251 sinh viên, tiếp đến là thành phố Hà Nội với 124 sinh viên, tỉnh Đắk Nông với 47 sinh viên; có 62 sinh viên chính quy là người dân tộc thiểu số (chiếm 9,5%) đến từ 17 dân tộc như Tày, Mường, Ê Đê, Nùng, Thái, Mnông, Jrai, Dao, Hoa, Sán Dìu, HMông, Cao Lan, Thổ, Cơ Ho, Cơ Tu, Hà Nhì, Khơ Me.
Thực hiện theo nội dung phân cấp về tổ chức, quản lý đào tạo, Phân hiệu đã chủ động triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy, kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo từng học kỳ hàng năm, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, triển khai giảng dạy trực tiếp và trực tuyến; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm giảng dạy từ Trụ sở chính của Trường tham gia giảng dạy tại Phân hiệu.
Sinh viên Phân hiệu đã đạt được nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, được nhận học bổng khuyến khích học tập của Trường Đại học Luật Hà Nội, đặc biệt trong 03 năm liền từ năm 2020 đến năm 2022, mỗi năm đều có 02 sinh viên Phân hiệu nhận được học bổng của Bộ khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, CHLB Đức thông qua văn phòng đại diện bang Hessen tại Việt Nam trao tặng.
Chất lượng đầu vào, chất lượng quản lý đào tạo và chất lượng đầu ra của Phân hiệu không ngừng được nâng cao. Phân hiệu đã phối hợp với Trụ sở chính của Trường xét công nhận tốt nghiệp cho 01 khóa sinh viên chính quy (K4435), 03 lớp đại học vừa làm vừa học văn bằng 2, 02 lớp cao học luật với tổng số 188 sinh viên, học viên.
Về nghiên cứu khoa học, tính từ khi thành lập đến nay, Phân hiệu có 02 bài đăng tạp chí quốc tế, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, tổ chức thành công 01 Tọa đàm khoa học quốc tế, 05 Hội thảo khoa học cấp Trường, 01 Tọa đàm khoa học cấp Trường, 06 Hội thảo khoa học cấp khoa, 03 Tọa đàm cấp khoa, có 57 bài công bố trên các tạp chí khoa học trong nước; chủ trì phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển Cộng đồng nông thôn tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật đất đai 2013”. Có 10 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, trong đó có 01 đề tài đạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường; có 01 sinh viên là tác giả báo cáo hội thảo khoa học cấp Trường.
PV: Thưa TS. Đoàn Trung Kiên, với mục tiêu phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu cực Đông Nam Á và trên thế giới, ông có thể cho biết thêm về mục tiêu, định hướng phát triển cũng như giải pháp thực hiện của Phân hiệu trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Nhà trường?
Thời gian tới, Phân hiệu tiếp tục kiên trì mục tiêu, phương hướng phát triển được xác định định trong Nghị quyết số 26 của Đảng ủy Trường Đại học Luật Hà Nội về lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đến năm 2021 và những năm tiếp theo góp phần thực hiện Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”; Nghị quyết số 3778/NQ-HĐTĐHLHN ngày 23/10/2020 của Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội; Quyết định số 2538/QĐ-ĐHLHN ngày 30/6/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, Phân hiệu sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo đủ về số lượng và mạnh về chất lượng theo các mục tiêu của Quyết định số 1156/QĐ-TTg. Thu hút chuyên gia làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức luật sư tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho sinh viên.
Xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho từng giai đoạn cho các bậc và hệ đào tạo theo hướng đảm bảo mỗi năm tăng 10-20%, đạt quy mô 1800 sinh viên, học viên vào năm 2030, tập trung tăng số lượng sinh viên chính qui.
Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Lãnh đạo Phân hiệu cùng đội ngũ viên chức, người lao động và sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại ễ tốt nghiệp lớp 4435 hệ Đại học chính quy.
Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong dạy và học theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, rà soát, cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, năng lực ngoại ngữ, năng lực hội nhập và kỹ năng làm việc hiện đại.
Thực hiện các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, khu vực; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học có tầm ảnh hưởng, gắn với chiến lược, chương trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Tây Nguyên.
Xây dựng kế hoạch hợp tác trọng tâm, lựa chọn các đối tác chiến lược, đối tác truyền thống và các địa bàn trọng điểm để đào tạo, tư vấn pháp luật; công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và phục vụ cộng đồng gắn với công nghệ thông tin, kỹ thuật số; tăng cường các hoạt động phục vụ cộng đồng; xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật cho những người yếu thế, phạm nhân trong trại giam, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý các mặt hoạt động của Phân hiệu như: công tác quản lý, điều hành, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý hành chính - nhân sự, tài chính, tài sản.
Cá nhân tôi tin tưởng rằng Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đào tạo được nhiều hơn nữa nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho ngành Tư pháp và Đất nước, ngày càng khẳng định được uy tín, thương hiệu của Phân hiệu, của Trường Đại học Luật Hà Nội, trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, có vai trò dẫn dắt trong đào tạo cán bộ pháp luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Mai