Bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới trong quá trình tổ chức THADS

06/03/2024
Bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới trong quá trình tổ chức THADS
Sáng 06/3, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục về thi hành án dân sự (THADS) trong các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới. Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS cho biết, THADS là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, thực thi công lý, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Hoạt động THADS góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 

Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong thời gian qua, để bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới trong quá trình tổ chức thi hành án, với sự hỗ trợ của một số dự án, Tổng cục THADS đã triển khai được nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xây dựng Báo cáo rà soát những trở ngại phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới khi thực hiện quyền của mình trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của tòa án (dự án EU JULE, tháng 9/2021); tổ chức lớp tập huấn Tăng cường năng lực nhạy cảm giới cho đội ngũ công chức làm công tác THADS nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án (dự án UN Women, tháng 12/2021). Các hoạt động này đã góp phần tăng cường nhận thức và bước đầu xác định các vấn đề cần lưu ý trong quá trình tổ chức thi hành án đối với phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới.
Tiếp nối sự thành công của các hoạt động trên, với sự hỗ trợ của Dự án EU JULE, phối hợp thực hiện với UNICEF, nhóm nghiên cứu của Tổng cục THADS đã xây dựng dự thảo Tài liệu hướng dẫn Quy trình, thủ tục về THADS trong các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới. Đây là tài liệu có tính chất “cầm tay chỉ việc”, là cẩm nang cho các Chấp hành viên, người làm công tác THADS có thể áp dụng vào thực tiễn.
Để dự thảo tài liệu được hoàn thiện hơn, bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, đồng chí đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các Thẩm tra viên, Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS cho ý kiến góp ý tập trung các nội dung của dự thảo Tài liệu từ góc độ lý luận và thực tiễn của công tác THADS, các vấn đề về giới, nhạy cảm giới, nạn nhân của bạo lực giới.
 

Đồng chí Phan Huy Hiếu, Chánh Văn phòng Tổng cục THADS giới thiệu tổng quan về Tài liệu hướng dẫn.

Giới thiệu tổng quan về Tài liệu hướng dẫn, đồng chí Phan Huy Hiếu, Chánh Văn phòng Tổng cục THADS cho biết Tài liệu hướng dẫn này có giá trị tham khảo hữu ích cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký, Lãnh đạo các cơ quan THADS, nâng cao hiểu biết, kỹ năng, năng lực trong quá trình thi hành các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới. Tài liệu được xây dựng gồm 03 phần, tập trung vào hướng dẫn các vấn đề cần lưu ý trong quy trình, thủ tục THADS trong các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới; ngoài ra có cung cấp thêm các thông tin tổng quan, lý luận và thực tiễn để tăng cường nhận thức về bạo lực giới và nạn nhân của bạo lực giới.
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung của Tài liệu hướng dẫn; đồng thời đề xuất thêm một số ý kiến như: bổ sung thêm nhóm đối tượng sử dụng tài liệu; cân nhắc cách sử dụng các cụm từ “bạo lực giới”, “bạo lực trên cơ sở giới”, “bạo lực giới trên cơ sở giới” để tạo sự thống nhất trong toàn bộ tài liệu; ...
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
 

Đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục THADS tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.








Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.

 
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động hợp tác của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam (gọi chung là dự án EU JULE); phối hợp với UNICEF thực hiện Hỗ trợ bảo vệ và trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và trẻ em bị xâm phạm.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin