Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

22/12/2023
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Sáng 22/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì phiên họp. Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Đại tá Võ Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cùng dự.
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Phát biểu tại phiên họp, Đại tá Võ Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Đồng thời, các quy định bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
 

Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Luật Cảnh vệ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ; đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác cảnh vệ được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ cả trong và ngoài nước.
 

 Đại tá Võ Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiẹu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ; từ đó phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cần củng cố thêm nội dung Tờ trình
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật. Cụ thể, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết đối tượng cảnh vệ thuộc Trung ương quản lý hoặc do cơ quan Trung ương tổ chức. Lực lượng Công an ở địa phương chỉ có thể đóng vai trò phối hợp, tham gia hỗ trợ lực lượng Cảnh vệ để bảo vệ mà không phải là lực lượng chủ chốt bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tính hợp lý của việc bố trí lực lượng Cảnh vệ tại địa phương để phù hợp với dự thảo Luật và khoản 4 Điều 3 Luật Cảnh vệ. Còn đại diện Văn phòng Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm các quy định pháp luật và điều khoản quốc tế có liên quan.
 

Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.


Đại diện Bộ Ngoại giao (trái).


Đại diện Bộ Quốc phòng.


Đại diện Văn phòng Quốc hội.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng cho ý kiến về tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; thời gian có hiệu lực, thu hồi và điều kiện sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt, thuê tài sản; điều kiện, hình thức, căn cứ thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin