Họp thẩm định dự thảo Quyết định ban hành "Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực TCĐLCL”

10/10/2023
Họp thẩm định dự thảo Quyết định ban hành "Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực TCĐLCL”
Chiều ngày 09/10/2023, Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định dự thảo Quyết định ban hành "Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”. Đồng chí Bùi Thị Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp là các thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các bộ, ngành: Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Đa số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 132/2008/ND-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa quy định: Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định Quy chế kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi được phân công với các cơ quan thanh tra, cơ quan hải quan, công án, quản lý thị trường. Bên cạnh đó, Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng” (thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg). Do đó, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí về sự cần thiết ban hành Quyết định này nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến cụ thể các nội dung sau của Dự thảo Quyết định.
Một là, về phạm vi điều chỉnh: Các thành viên hội đồng thẩm định cho rằng, nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa), để xác định được chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần thông qua tổ chức đánh giá sự phù hợp có năng lực về điều kiện đối với nhân lực, hệ thống quản lý, kỹ thuật, đo lường theo quy định của pháp luật để đo lường, thử nghiệm, giám định, chứng nhận. Đồng thời, tại hệ thống 03 Luật TC&QCKT, Luật ĐL và Luật CLSPHH đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương bên cạnh công tác kiểm tra đã giao trách nhiệm thanh tra đối với lĩnh vực đã được phân công, phân cấp quản lý nhà nước. Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải bảo đảm tính toàn diện theo quy định của 03 Luật nêu trên. Do đó, đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh so Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010, không chỉ phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đồng thời phải bao quát toàn bộ hoạt động được quy định tại 03 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời bổ sung phối hợp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo hướng nguyên tắc chung nhằm bảo đảm cơ chế phối hợp được toàn diện, giảm thiểu việc trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Hai là, về yêu cầu thực tiễn về công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra trong việc thi Luật TC&QCKT, Luật ĐL: Theo quy định điểm k khoản 2 Điều 59, điểm i khoản 1 Điều 60, khoản 5 Điều 61 và từ Điều 64 đến 68 Điều Luật TC&QCKT đã giao trách nhiệm cho Bộ KH&CN, Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 đã quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho các cơ quan. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, mặc dù đã có tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, nhưng công tác phối hợp giữa các cơ quan đối với nhiệm vụ này còn chưa cụ thể và có hiệu quả cao, đặc biệt chưa có công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Vấn đề này cũng dẫn đến việc triển khai thi hành Luật TC&QCKT chưa thực sự bảo đảm hiệu quả, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Ba là, về quy định phối hợp trong công tác thanh tra: Các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị nội dung quy định về phối hợp trong công tác thanh tra theo hướng nguyên tắc và việc thực hiện công tác thanh tra theo pháp luật về thanh tra. Đối với trường hợp thanh thanh tra có sự trùng lặp, chồng chéo với kiểm tra thì điều chỉnh theo hướng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra triển khai, ưu tiên cơ quan cấp trên triển khai khi trùng nội dung, đối tượng với cơ quan cấp dưới.
            Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Thị Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Quyết định. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định./.