Nâng cao hiệu quả áp dụng, thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm

10/10/2023
Nâng cao hiệu quả áp dụng, thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm
Thực hiện Văn kiện Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và Biên bản Thỏa thuận về việc thực hiện Dự án ký giữa các cơ quan đối tác Việt Nam; đồng thời nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia, sáng ngày 10/10/2023, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao hiệu quả áp dụng, thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA chủ trì.
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của hơn 100 đại biểu. Về phía Việt Nam, có đại diện từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại thành phố Hà Nội thuộc Cục Đăng ký; đại biểu đến từ: Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Bổ trợ tư pháp); Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và các Chi cục các quận, huyện; Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hà Nội và chi nhánh các quận, huyện; Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; đại diện các tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính, các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư; cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý trên địa bàn thành phố Hà Nội. Về phía Dự án JICA, có ông Tsukahara Masanori - Luật sư, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA.
 
 
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu Khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan liên quan đã nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao tính khả thi của các quy định pháp luật liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm, khơi thông các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Theo đó, ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023 (thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm). Nghị định được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công về đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Thông qua Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hải hy vọng các đại biểu không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm theo Nghị định số 99/2022/NĐ-CP mà còn có cơ hội trao đổi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia Nhật Bản về pháp luật dân sự, pháp luật về biện pháp bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm của Nhật Bản; từ đó đề xuất những vấn đề pháp lý về đăng ký biện pháp bảo đảm cần nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tiếp theo.
 
Ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA phát biểu tại Hội nghị.

Bày tỏ sự vinh dự được tham dự Hội nghị, ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA cũng hy vọng, Hội nghị sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến thi hành biện pháp bảo đảm; qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế của Việt Nam.
 
 
 
Các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 03 tham luận: (1) Các quy định chung đăng ký biện pháp bảo đảm và thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP do đồng chí Nguyễn Quang Hương Trà - Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ, Thành viên Ban Soạn thảo xây dựng Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày; (2) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP do đồng chí Phạm Phúc Thịnh - Thành viên Tổ Biên tập xây dựng Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày; (3) Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản; đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản do đồng chí Phùng Bá Đáng - Phó Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ, Thành viên Ban Soạn thảo xây dựng Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe ông Onishi Hiromichi chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm của Nhật Bản và một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Trên cơ sở các tham luận dẫn đề, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn về nghiệp vụ để đảm bảo thống nhất trong cách áp dụng pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để triển khai thi hành hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP nói riêng và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung.
 

Kết thúc Hội nghị, thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, đồng chí Nguyễn Hồng Hải đã cảm ơn sự hỗ trợ của Dự án JICA, sự tham gia của các đại biểu; đồng thời đánh giá Hội nghị có sự tương tác cao, không chỉ góp phần đưa quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đi vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin hiệu quả giúp Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền để hoàn thiện quy định pháp luật liên quan trong thời gian tới. Đồng chí cũng mong muốn các cơ quan, tổ chức và các đại biểu tiếp tục có sự phản hồi để Cục Đăng ký kịp thời nhận diện những vấn đề cần được làm rõ hơn; qua đó có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Đối với câu hỏi của một số đại biểu, do vấn đề thời gian còn chưa được làm rõ tại Hội nghị, Cục Đăng ký sẽ trực tiếp phản hồi bằng các hình thức thích phù hợp.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin