Luật thi hành án dân sự - Ưu tiên số một trong kế hoạch công tác năm 2008 của Cục thi hành án dân sự

20/03/2008
Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội Khoá XII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XII (2007-2011) và năm 2008, dự án xây dựng Bộ luật thi hành án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khoá XI được triển khai thành việc xây dựng hai luật thi hành án riêng biệt, là Luật thi hành án dân sự và Luật thi hành án hình sự.

Trong đó, Luật thi hành án dân sự được đưa vào chương trình chính thức của năm 2008 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba dự kiến tổ chức vào tháng 5/2008 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư dự kiến tổ chức vào tháng 10/2008; Luật thi hành án hình sự được đưa vào chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2008.

Triển khai Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 nói trên, ngày 31/01/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 569/2008/UBTVQH 12 về việc thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật thi hành án dân sự, gồm các thành viên đại diện của 9 bộ, ngành hữu quan, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Trưởng Ban và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm Uỷ viên thường trực. Ngày 14/02/2008 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo Luật thi hành án dân sự đã ký Quyết định số 157/QĐ-BTP về việc thành lập Tổ Biên tập Luật thi hành án dân sự, do Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Nguyễn Văn Luyện làm Tổ trưởng.

Việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trước hết, về mặt thuận lợi, việc xây dựng Luật thi hành án dân sự được triển khai trên nền tảng cơ bản của dự thảo Bộ luật thi hành án, bởi chiếm một số lượng lớn các điều của dự thảo Bộ luật thi hành án là các điều quy định về phần thi hành án dân sự. Việc xây dựng Luật thi hành án dân sự cũng thuận lợi bởi dự thảo Bộ luật thi hành án trong đó có phần dân sự trước đây đã được trình Quốc hội cho ý kiến, như vậy, có nhiều vấn đề của dự thảo đã được các cơ quan có thẩm quyền, các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến rất cụ thể, thuận lợi cho Tổ Biên tập Luật thi hành án dân sự trong việc tranh luận, thảo luận trong quá trình chuẩn bị dự thảo. Bên cạnh đó, dự án Bộ luật thi hành án trước đây được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, nay Bộ Tư pháp lại được tiếp tục giao nhiệm vụ xây dựng Luật thi hành án dân sự nên sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc huy động chuyên gia, những nhà quản lý có kinh nghiệm, đã từng tham gia xây dựng Bộ luật thi hành án cho việc chuẩn bị dự án Luật thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, do trước đây Bộ luật thi hành án điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực tổ chức thi hành án, nên chưa có điều kiện tập trung đầy đủ vào phần thi hành án dân sự, nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được giải quyết một cách thấu đáo, nhất là các vấn đề về trình tự thủ tục thi hành án. Trong khi đó, mục đích hay nhiệm vụ của việc xây dựng Luật thi hành án dân sự, như ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo Luật thi hành án dân sự là không dừng lại ở việc kế thừa, pháp điển hoá Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành, mà mục đích cốt lõi là phải tạo ra được sự chuyển biến cơ bản, mạnh mẽ trong hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết cơ bản tình trạng tồn đọng án hiện nay, nâng cao vị thế của cơ quan thi hành án và Chấp hành viên, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.

Mặt khác, tuy được tiếp thu kết quả của dự án Bộ luật thi hành án đã được Quốc hội Khoá XI cho ý kiến, trong đó có phần thi hành án dân sự, nhưng theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì dự án Luật thi hành án dân sự vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về thi hành án, rà soát hệ thống văn bản liên quan; lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo; tiến hành việc thẩm định dự thảo...) trong điều kiện thời gian lại quá gấp rút nên đòi hỏi Ban soạn thảo, Tổ Biên tập phải có sự nỗ lực đặc biệt. Do đó, ngay từ đầu, nhận được sự tin tưởng của Lãnh đạo Bộ giao Cục thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan trong Bộ như Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý và các đơn vị khác giúp Lãnh đạo Bộ trong việc chuẩn bị Dự án Luật thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Nguyễn Văn Luyện đã có chỉ đạo đối với các cán bộ, công chức của Cục thi hành án dân sự nói chung, thành viên nòng cốt của Tổ Biên tập nói riêng phải dành ưu tiên số một cho công việc chuẩn bị Dự án Luật thi hành án dân sự. Nhiệm vụ xây dựng Luật thi hành án dân sự được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Cục thi hành án dân sự trong kế hoạch công tác năm 2008.

Nhiệm vụ xây dựng Luật thi hành án dân sự cũng là hy vọng của những người làm công tác quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức thi hành án của Cục thi hành án dân sự và các Chấp hành viên, cán bộ thi hành án làm công tác thực tiễn tại địa phương trong việc giải quyết rốt ráo những vấn đề bức xúc trong thi hành án dân sự những năm vừa qua. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban soạn thảo và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc trong ba tháng qua của các thành viên Tổ Biên tập nói riêng và Cục thi hành án dân sự, sự phối hợp của các đơn vị liên quan nói chung, đến nay, dự thảo 10 Luật thi hành án dân sự với 9 chương gồm 207 điều đã được hoàn thành.

Quá trình biên tập, từ dự thảo 3, Luật thi hành án dân sự đã được đưa ra nhằm thu thập ý kiến của đại diện các đơn vị trong Bộ, sự tham gia góp ý của đại diện các bộ, ngành hữu quan (như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Hà Nội, Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...) và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương (như Thi hành án dân sự Hà Nội, Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Hoà Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tây Ninh...) thông qua các cuộc Hội thảo, Toạ đàm do Cục Thi hành án dân sự, Uỷ ban Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của chuyên gia dự án JICA (Nhật Bản), STAR ( Hoa Kỳ).

Thông qua các cuộc Hội thảo, Toạ đàm, các đại biểu tham dự đã có cơ hội sớm tiếp cận với những nội dung mới của dự thảo, tích cực tham gia trao đổi, tranh luận, góp ý cho dự thảo Luật thi hành án dân sự. Dự thảo Luật thi hành án dân sự cũng sẽ sớm được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi khi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Với việc xác định Luật thi hành án dân sự là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008, Cục thi hành án dân sự phấn đấu xây dựng dự án Luật thi hành án dân sự đảm bảo chất lượng cũng như đúng tiến độ mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra./.

Kim Dung