Xem xét dự thảo Nghị định về tư vấn pháp luật và công tác giám định tư pháp

20/03/2008
Ngày 19/3, ông Lê Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã báo cáo những điểm mới nổi bật trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 65 về hoạt động tư vấn pháp luật.

Theo đó, đối tượng các tổ chức được tham gia hoạt động tư vấn pháp luật (TVPL) được mở rộng hơn, gồm các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành luật, đều được quyền thành lập trung tâm TVPL khi đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định; mở rộng phạm vi hoạt động của các trung tâm TVPL (được thực hiện TVPL, cử luật sư (của trung tâm) tham gia tố tụng theo yêu cầu của đương sự…); nâng mức phí tư vấn tối đa lên 50, 70 và 100.000đ/giờ tuỳ từng loại việc nhưng đề cao yếu tố thoả thuận của bên cung cấp dịch vụ TVPL và bên có nhu cầu được TVPL. Hiện nay, theo mức phí qui định tại Nghị định 65 là quá thấp nên hầu hết các trung tâm không thể tự trang trải cho hoạt động của mình. Bên cạnh đó, do Nghị định 65 chỉ cho phép các Trung tâm TVPL thực hiện hoạt động tư vấn mà không được cử người tham gia tranh tụng nên người dân ít tìm đến các trung tâm TVPL khi có việc cần khiếu kiện. Nhưng điều này hạn chế rất nhiều đến hiệu quả hoạt động của các trung tâm TVPL nói riêng và của hoạt động TVPL nói chung. Tuy nhiên, vấn đề còn gây tranh cãi trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 65 này là có nên qui định cho cán bộ, công chức đương chức được làm cộng tác viên cho các trung tâm TVPL hay không vì đây cũng thực sự là một nguồn cộng tác viên quý báu cho các trung tâm TVPL do có nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nhất là có thể khắc phục được tình trạng thiếu luật sư tư vấn hiện nay, đặc biệt ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng thông qua kế hoạch xây dựng thể chế cho hoạt động giám định tư pháp (GĐTP). Cụ thể là xây dựng các qui định về chế độ, chính sách đối với hoạt động giám định pháp y nhằm thu hút, bồi dưỡng được nhiều người tham gia vào hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao và trách nhiệm lớn này; định hướng chiến lược xây dựng công tác GĐTP và xây dựng Luật GĐTP. Hiện tại nước ta có 3 tổ chức giám định chuyên nghiệp là giám định hình sự, giám định pháp ý và giám định pháp y tâm thần. Ngoài ra, cũng đã phát triển đội ngũ giám định viên trên từng lĩnh vực cụ thể như văn hoá…, nhưng còn một số lĩnh vực chưa làm được. Theo Thứ trưởng, phải có chế độ bù đắp xứng đáng mới có thể có đội ngũ giám định viên xứng tầm với tính chất công việc. Do đó, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Bổ trợ Tư pháp chuẩn bị cho việc triển khai đồng loạt xây dựng 1 Chỉ thị và 3 thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan về công tác giám định tư pháp để công tác này thực sự trở thành một trong những trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta./

Hương Giang