Toạ đàm pháp luật BTNN Việt Nam - Nhật Bản: Hai chế độ đền bù trong tố tụng hình sự Nhật Bản

20/03/2008
Trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ xây dựng pháp luật thuộc Dự án JICA, hôm qua (19/3), Bộ Tư pháp tổ chức toạ đàm “Pháp luật bồi thường nhà nước (BTNN) Việt Nam - Nhật Bản”. Tại cuộc toạ đàm này, lãnh đạo Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế đã thông báo với các đại biểu kết quả chuyến đi khảo sát vừa qua của mình về pháp luật BTNN Nhật Bản. Đây sẽ là những kinh nghiệm tốt nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật BTNN của Việt Nam, phần các quy định liên quan đến bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự.

Luật BTNN - 60 năm vẫn nguyên hiệu lực

PGS - TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - cho biết, ở Nhật Bản hiện nay có 3 văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh về vấn đề BTNN. Cụ thể là, Luật BTNN năm 1947, Luật Đền bù hình sự năm 1950 và Huấn lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc đền bù cho người bị tình nghi (hoặc nghi phạm, Việt Nam gọi là bị can) năm 1957.

Theo Luật BTNN, các lĩnh vực hoạt động mà nhà nước Nhật Bản phải bồi thường rất rộng, bao gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp, miễn là chứng minh được công chức có hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại. Nhà nước cũng phải bồi thường cả những thiệt hại do các khiếm khuyết trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành các tài sản được nhà nước sử dụng vào mục đích công gây ra. Là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm BTNN bắt buộc hội tụ đủ 4 yếu tố: có hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây ra thiệt hại. Luật không quy định hoàn trả là nghĩa vụ của công chức gây hại mà quy định nhà nước có quyền yêu cầu người gây hại hoàn trả…

Ông Huệ cho biết, trong phạm vi hiểu biết của ông, chỉ với 6 điều thì Luật BTNN Nhật Bản thuộc vào loại ngắn gọn nhất thế giới. Những vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm BTNN sẽ được vận dụng bằng các quy định tương ứng trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản. Đặc biệt, qua hơn 60 năm tồn tại, Luật chưa hề sửa đổi, bổ sung lần nào bởi các vấn đề chưa được Luật dự liệu đã được các thẩm phán Nhật Bản thông qua tri thức, kinh nghiệm và niềm tin nội tâm của mình giải quyết một cách kịp thời.

Kiểm sát viên cũng có quyền quyết định đền bù

Cũng theo ông Huệ, pháp luật Nhật Bản không những phân biệt rõ giữa BTNN với đền bù hình sự mà còn phân biệt giữa đền bù hình sự với đền bù nghi phạm. Dựa vào Điều 40 Hiến pháp Nhật Bản, Luật Đền bù hình sự quy định chế độ đền bù cho người đã bị truy tố nhưng được toà án tuyên vô tội. Thẩm phán của toà án nào đã tuyên vô tội sẽ có thẩm quyền quyết định mức đền bù và toà án ấy sẽ chịu trách nhiệm chi trả tiền đền bù. Tuy nhiên, nếu không thoả mãn với mức đền bù hình sự do thẩm phán quyết định thì người bị hại có quyền khiếu kiện ra toà để yêu cầu BTNN. Trong trường hợp trên, người bị hại có trách nhiệm chứng minh về tính bất hợp pháp của hành vi do công chức thực hiện. Còn để không làm thiệt thòi cho những người bị bắt, giam giữ song không bị truy tố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Huấn lệnh Quy định về đền bù cho người bị tình nghi. Theo Huấn lệnh, Nhà nước sẽ đền bù khi kiểm sát viên nhận định rằng đã có đủ yếu tố khẳng định là người bị bắt không phạm tội. Người có thẩm quyền quyết định chế độ đền bù nghi phạm cũng chính là kiểm sát viên và cơ quan chi trả là Bộ Tư pháp (vì ở Nhật Bản, Viện kiểm sát là cơ quan trực thuộc). Tuy nhiên, đối với chế độ đền bù nghi phạm, người bị tình nghi không có quyền khởi kiện ra toà về mức đền bù do kiểm sát viên đã quyết định mà chỉ có quyền kiện ra toà để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo Luật BTNN.

Làm rõ thêm những khảo sát của đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản giải thích, điểm khác nhau lớn nhất của 2 chế độ đền bù là ở chỗ: đền bù nghi phạm được áp dụng để đền bù cho người bị giam giữ theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng không bị truy tố, còn đền bù hình sự được áp dụng trong trường hợp đền bù cho người đã bị truy tố nhưng được tuyên là vô tội. Chính xác hơn, không giống như đền bù hình sự, đền bù nghi phạm không phải là một quyền lợi được pháp luật công nhận bởi nó phụ thuộc vào quyết định của kiểm sát viên. Luật Tố tụng hình sự Nhật Bản quy định kiểm sát viên sau quá trình xem xét kỹ các tình tiết có quyền không truy tố nghi phạm kể cả khi có đầy đủ chứng cứ về tội  phạm của nghi phạm và tin chắc họ có tội (quyền tuỳ nghi quyết định truy tố của kiểm sát viên). Không những thế, 2 chế độ đền bù trên không có quan hệ áp dụng mang tính loại trừ Luật BTNN. Nghĩa là, mặc dù đã được đền bù một khoản tiền nhất định theo một trong 2 chế độ, nếu theo Luật BTNN mà thiệt hại sẽ lớn hơn mức đã được đền bù và chứng minh được các căn cứ như sự cố ý hoặc vô ý của công chức, hành vi trái pháp luật… thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường.

Hoàng Thư