Sáng 15/9, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và tổ chức thực thi Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm” với sự hỗ trợ của Dự án JICA Nhật Bản tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thành phố Cần Thơ với sự chủ trì của bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.
Tham dự trực tiếp tại Hội thảo có 02 chuyên gia dài hạn của Dự án JICA Nhật Bản thường trú tại Việt Nam là ông Watanabe Yoshitaka và ông Tsukahara Masanori. Về phía các đại biểu tại địa phương có lãnh đạo, đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang), một số cơ quan tại TP. Cần Thơ (như Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và đào tạo Cần Thơ); đại diện Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ; lãnh đạo, đại diện Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Trường Cao đẳng Luật Miền Nam; lãnh đạo, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp như Hội người mù Cần Thơ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Cần Thơ.
Trong bài khai mạc, bà Lê Thị Hoàng Thanh đã nêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định định hướng “Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”; “khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội”, và “Khuyến khích làm giàu theo pháp luật… gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”. Để triển khai các định hướng nêu trên, tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng “Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”. Qua gần 5 năm (từ 2019-2023) nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình, Bộ Tư pháp đã trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào tháng 6/2023. Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027. Để triển khai các nhiệm vụ được đặt ra, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: (1) Học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và tổ chức thực thi Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (2) Giới thiệu các hoạt động, nhiệm vụ cần triển khai; vai trò trách nhiệm của các cơ quan thuộc Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027; (3) Chia sẻ những thuận lợi, thách thức và giải pháp để thực hiện tốt Chương trình.
Bà Lưu Hương Ly - Trưởng phòng Pháp luật dân sự - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe bài trình bày và chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về Thực hành Kinh doanh có trách nhiệm” do ông Watanabe Yoshitaka, chuyên gia dài hạn Dự án JICA Việt Nam trình bày; nghe bài trình bày về các chính sách liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong khu vực tư nhân tại Nhật Bản và giới thiệu các đối sách của Liên đoàn luật sư Nhật Bản do ông Tsukahara Masanori, chuyên gia dài hạn Dự án JICA trình bày. Các đại biểu tham dự cũng đã được nghe bài trình bày và chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức thực thi Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (gồm quá trình xây dựng và nội dung chủ yếu của Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027) do bà Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trình bày và Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027 - Cơ hội và thách thức do bà Trần Thị Thu Hằng, Chuyên viên Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trình bày.
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã tập trung trao đổi về các nội dung, như: kinh nghiệm thực tiễn về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia của Nhật Bản (trong đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình hành động quốc gia và những giải pháp để khắc phục của Nhật Bản). Các đại biểu cũng trao đổi để làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan như nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong việc triển khai Chương trình hành động quốc gia và đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Tư pháp trong suốt thời gian qua trong việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027; đồng thời, tin tưởng rằng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục làm tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai Chương trình hành động quốc gia
Kết thúc Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Dự án JICA tại Việt Nam và đặc biệt các sở, ban ngành của TP. Cần Thơ và các tỉnh phía Nam, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cơ sở đào tạo có liên quan đã tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo ngày hôm nay. Đồng thời, cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức đã góp phần tích cực, giúp Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg. Việc triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp; đảm bảo việc thực thi pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, để Chương trình hành động quốc gia đạt được các mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, cần sự đồng hành, chung tay của không chỉ các cơ quan được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ mà còn cần có sự tích cực, quan tâm và hành động của các chủ thể có liên quan khác như các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để triển khai Chương trình hành động quốc gia một cách tốt nhất và có hiệu quả nhất.