Tọa đàm tổng kết 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017

31/08/2023
Tọa đàm tổng kết 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017
Ngày 30/8/2023, tại tỉnh Yên Bái, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về những khó khăn, vướng mắc trong 5 năm triển khai và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017. Đồng chí Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước và đồng chí Nguyễn Hưng Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự có đồng chí Phạm Trường Hải, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1; đại diện Ban Nội chính Tỉnh uỷ Yên Bái, Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Tư pháp Yên Bái; đại diện Công an tỉnh Yên Bái; đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang và công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước các huyện, thị xã, thành phố. Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đều đánh giá việc ban hành Luật TNBTCNN có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, Việt Nam đã luật hóa quyền của tổ chức, cá nhân được Nhà nước bồi thường khi bị người thi hành công vụ gây thiệt hại trong quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2022, các cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý, giải quyết 149 vụ việc theo quy định của Luật. Trong đó đã giải quyết xong 106/149 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định, bản án giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 53 tỉ 374 triệu đồng và 102,5 chỉ vàng, còn lại 43 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017. Trên địa bàn tỉnh chưa có vụ khiếu kiện, yêu cầu bồi thường tồn đọng, kéo dài.
Luật TNBTCNN đã có tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội và nhận thức, ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Luật còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Các đại biểu đã đề xuất các biện pháp như cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, trong đó chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài và giải quyết các vụ việc mới đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên thực hiện công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức của Sở Tư pháp và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyên, phổ biến giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành, phối hợp liên ngành và các nhiệm vụ để nắm bắt đầy đủ tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường; thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường./.
                                                Đặng Anh Tuấn, Sở Tư pháp Yên Bái