Nâng cao năng lực triển khai Chương trình HĐQG hoàn thiện CS&PL nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm

30/08/2023
Nâng cao năng lực triển khai Chương trình HĐQG hoàn thiện CS&PL nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Sáng ngày 29/8/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực triển khai Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027” với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến qua ứng dụng Zoom.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Ola Karlman – Trưởng bộ phận Thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam và ông Patrick Havernman - Phó trưởng Đại diện Thường trú, UNDP tại Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự trực tiếp tai Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ  Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Người mù Hà Nội, Hội Người Khuyết tật Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Trường Đại học Đà Lạt v.v. Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có đại diện của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Bình.


 
Tại phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu tham dự đã được nghe bài trình bày “Giới thiệu về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027” do đồng chí Lê Thị Hoàng Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trình bày và tham luận về “Tầm quan trọng của Chương trình hành động quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và một số khuyến nghị cho việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia” do bà Harpreet Kaur – chuyên gia của UNDP Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trình bày.
 

 
Tại phiên làm việc thứ hai, đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã điều phối phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các diễn giả: (i) đồng chí Ngô Đức Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; (ii) đồng chí Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; (iii) đồng chí Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (iv) đồng chí Đinh Lê Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và (v) đồng chí Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Phiên thảo luận đã tập trung trao đổi về các nội dung như: Đánh giá của các cơ quan đối với Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia; Việc triển khai Chương trình hành động quốc gia tại cơ quan của các diễn giả; dự kiến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình hành động quốc gia và những giải pháp để khắc phục; khuyến nghị cho Bộ Tư pháp để triển khai Chương trình hành động quốc gia với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện. Các đại biểu tham dự cũng đã phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Tư pháp trong suốt hơn 05 năm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia và tin tưởng rằng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục làm tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai Chương trình hành động quốc gia.
Kết thúc Hội thảo, bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam là quốc gia thứ 32 trên thế giới ban hành Chương trình hành động quốc gia. UNDP đã đồng hành cùng các cơ quan của Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng trong việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia. Tuy nhiên, để Chương trình hành động quốc gia đạt được các mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong Quyết định số 843/QĐ-TTg, cần sự đồng hành, chung tay của không chỉ các cơ quan được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ mà còn sự tích cực, quan tâm và hành động của các chủ thể có liên quan khác như các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. UNDP cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và đặc biệt Bộ Tư pháp Việt Nam để triển khai Chương trình hành động quốc gia trong thời gian tới.  
Về phía Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam và đặc biệt các Bộ, ngành, hiệp hội, cơ quan, cơ sở đào tạo và các cơ quan tổ chức có liên quan trong thời gian vừa qua. Sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức đã góp phần tích cực, giúp Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú khẳng định Chương trình hành động quốc gia đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp người dân; hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; chia sẻ thông tin, kết quả các hoạt động, chương trình, đề án; sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai Chương trình hành động quốc gia gắn với 05 lĩnh vực trọng tâm gồm: Đầu tư – Bảo vệ lao động – Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương – Bảo vệ môi trường – Bảo vệ người tiêu dùng. Để triền khai Chương trình hành động quốc gia, cần chú trọng đến 05 yếu tố: Chất lượng – Hiệu quả - Thiết thực – Trách nhiệm và Sáng tạo.
Việc triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp; đảm bảo việc thực thi pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do đó, cần có sự đồng hành, cùng tham dự, cùng tham gia, cùng đóng góp, cùng hợp tác và cùng chia sẻ của tất cả các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp.