Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư

30/08/2023
Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư
Triển khai Kế hoạch hoạt động khoa học năm 2023, chiều ngày 28/8/2023, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo “Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp”.
Dự Hội thảo có LS. Lê Đăng Tùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng và kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam; LS. Chu Thị Trang Vân - Phó trưởng Ban đào tạo, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; LS. Phạm Thanh Bình - Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội. Về phía Học viện Tư pháp có PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thị Thúy Nga - Trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; TS. Ngô Thị Ngọc Vân -  Phó trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cùng các thầy, cô là giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu và cựu học viên, học viên các lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Hà Nội và cơ sở Hồ Chí Minh tham dự trực tiếp và trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams.
Truyền thông là một hiện tượng xã hội ra đời và phát triển cùng với quá trình hình thành, phát triển của xã hội và loài người. Trong quá trình phát triển, loài người luôn có nhu cầu giao tiếp, truyền thông tin từ người này sang người khác. Để đạt được mục đích đó, họ sáng tạo ra các loại ký hiệu, tín hiệu có ý nghĩa làm công cụ để tác động trực tiếp tới tư duy của đối tượng mà họ muốn hướng tới.
 

 
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi ngành nghề và cuộc sống của dân cư trên thế giới, có thể nói sự phát triển của thế giới trong vòng vài thập kỷ vừa qua đã khiến xã hội loài người phải nhìn nhận nhiều vấn đề trước đây chúng ta chưa từng đối mặt. Nghề luật sư vốn là nghề nghiệp có lịch sử phát triển lâu đời cũng nằm trong quy luật đó, với những thách thức về các kiến thức mới, phương thức làm việc mới, kèm theo đó là những vấn đề đạo đức mới nảy sinh trong quá trình hành nghề. Luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông trong thời đại hiện nay cần hiểu được trách nhiệm của mình khi thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông, những điều luật sư không được làm và từ đó xây dựng thái độ ứng xử phù hợp, góp phần tạo hình ảnh đẹp, nâng cao uy tín của giới luật sư trong xã hội.
Luật sư phải phát triển nhiều kỹ năng đa dạng ngoài chuyên môn pháp lý để đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội. Vì vậy, ngoài hiểu biết về chuyên môn và các kỹ năng hành nghề luật sư thì kỹ năng thực hiện hoạt động thông tin và truyền thông ngày càng trở nên quan trọng đối với các luật sư muốn đi đầu và thành công trong bối cảnh pháp lý hiện đại. Việc phát triển những kỹ năng này có thể giúp luật sư hiểu rõ hơn về khách hàng của họ, truyền đạt hiệu quả chuyên môn pháp lý của họ và tạo dựng danh tiếng vững chắc trong môi trường dịch vụ pháp lý có tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và truyền tải thông tin đến mọi người. Do đó, căn cứ vào nguồn lực về nhân sự, tài chính và sở trường của mình, mỗi tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân luật sư có thể dùng một hoặc nhiều công cụ truyền thông phù hợp nhằm phát triển và mang lại doanh thu cho mình. Để thực hiện các phương pháp truyền thông một cách hiệu quả, các văn phòng luật sư cần phải lập kế hoạch, xác định đối tượng tiếp nhận thông điệp truyền thông, có hoạt động đo lường, đánh giá hiệu quả để có kế hoạch điều chỉnh….
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông, hôm nay, HVTP tổ chức hội thảo “Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp”. Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của luật sư, học viên các lớp đào tạo các chức danh tư pháp … cũng như giúp họ xác định được những kỹ năng khi tham gia hoạt động thông tin, truyền thông, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của người luật sư khi thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông, đánh giá tầm quan trọng của việc đào tạo các chức danh tư pháp trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của luật sư khi tham gia hoạt động thông tin, truyền thông.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá toàn diện về hoạt động truyền thông, thông tin gắn với hoạt động nghề của luật sư. Từ đó nhìn nhận được thời cơ, thách thức trong bối cảnh mới, đòi hỏi xây dựng các giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ những nội dung quan trọng của hoạt động truyền thông, thông tin của luật sư và kinh nghiệm của luật sư khi thực hiện hoạt động này, từ đó chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, thông tin của luật sư. Các đại biểu đánh giá tầm quan trọng của việc đào tạo các chức danh tư pháp trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của luật sư khi tham gia hoạt động truyền thông, thông tin và đề nghị có bài chuyên sâu về truyền thông, thông tin trong chương trình đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng cảm ơn các đại biểu tham dự Hội nghị và có nhiều ý kiến hữu ích. Kết quả của Hội thảo là nền tảng để đơn vị chuyên môn có cách nhìn toàn diện trong quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa chương trình đào tạo Luật sư và chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư - chương trình đã tạo được tiếng vang và nhận được đánh giá cao của các đơn vị chuyên môn liên quan. Việc chỉ ra được nguyên nhân, hạn chế và đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, thông tin của luật sư sẽ góp phần hoàn thiện chương trình đào tạo, để ngay khi tốt nghiệp chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp các học viên sẽ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hành nghề. 
Thanh Hương