Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý đề cương Sổ tay xây dựng, ban hành văn bản QPPL

16/03/2023
Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý đề cương Sổ tay xây dựng, ban hành văn bản QPPL
Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật (Dự án JICA), sáng ngày 15/3/2023, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo đề cương Sổ tay xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu đề cương cuốn Sổ tay và tham vấn, lắng nghe ý kiến của cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề cương trước khi tiến hành soạn thảo cuốn Sổ tay.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật đến từ các tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản.
 

 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cùng với Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật này (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020) được ban hành đã đánh dấu một bước đổi mới nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đã quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đạt kết quả tốt hơn thì cần có những tài liệu mang tính “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tham mưu, xây dựng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc biên soạn cuốn Sổ tay xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho người làm công tác xây dựng pháp luật là rất cần thiết. Bộ Tư pháp kỳ vọng, sau khi được ban hành, cuốn Sổ tay sẽ là tài liệu quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác chuyên môn của các cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo có giá trị đối với việc học tập và nghiên cứu pháp luật.
 

 
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tham luận, đánh giá khái quát kết quả thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương và địa phương, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật và đề xuất những vấn đề, nội dung cần đưa vào cuốn Sổ tay để giúp bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này. Bên cạnh đó, các tham luận, ý kiến tại Hội thảo cũng góp ý cụ thể về tính hợp lý của bố cục cuốn Sổ tay cùng nhiều nội dung khác trong đề cương Sổ tay. Theo đó, các chuyên gia và nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị cuốn Sổ tay cần cung cấp đầy đủ, chính xác những quy định của pháp luật hiện hành; những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn các kỹ năng cần thiết trong quá trình tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có những ví dụ minh họa, bảng, biểu mẫu, mô hình… nhất là những câu hỏi, tình huống thực tiễn mà bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn trong thời gian qua.

Theo chương trình, Hội thảo đã được nghe chuyên gia của dự án JICA giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung chính của cuốn “Sổ tay xây dựng dự thảo văn bản pháp luật” tại Nhật Bản, nhấn mạnh những ưu điểm và những điểm còn hạn chế của cuốn Sổ tay. Đây là những thông tin hữu ích và có giá trị, giúp cho Bộ Tư pháp trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cuốn Sổ tay này.
Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với dự án JICA, các chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện đề cương Sổ tay và sớm tiến hành xây dựng dự thảo Sổ tay xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật