Tập huấn thử nghiệm hướng dẫn sử dụng Sổ tay PL về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ

14/10/2022
Tập huấn thử nghiệm hướng dẫn sử dụng Sổ tay PL về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ
Trong 02 ngày từ 11-12/10/2022, tại tỉnh Hòa Bình, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức Lớp tập huấn thử nghiệm hướng dẫn sử dụng Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hoạt động được hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF. Chủ trì Lớp tập huấn thử nghiệm có ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và bà Đỗ Thúy Vân - Cán bộ Dự án UNDP tại Việt Nam.

 

 
 
Tham gia Lớp tập huấn thử có nhóm chuyên gia tư vấn gồm TS.Nguyễn Bích Thảo - Phó Chủ nhiệm phụ trách Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và TS.Đỗ Giang Nam - Giảng viên, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và các đại biểu đến từ một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội); Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các đại biểu thuộc Ủy ban nhân dân, Sở Tư Pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức tín dụng đến từ các địa phương: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Tuyên Quang,...

       


Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn thử nghiệm, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết,  hoạt động tập huấn thử nghiệm này có mục tiêu lấy ý kiến hoàn thiện Sổ tay pháp luật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ địa phương, tổ chức liên quan về nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

       

Theo bà Đỗ Thúy Vân cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực trên toàn thế giới, tác động của nó đặc biệt nghiêm trọng đối với các cộng đồng nhóm yếu thế, trong đó có phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới đạt được mục tiêu về xóa nghèo, xóa đói - hai trong 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030, việc hỗ trợ phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tín dụng để vay vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo là thực sự cần thiết để bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Hoạt động của Lớp tập huấn thử nghiệm này sẽ đóng góp vào kết quả của Dự án về nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về quyền và cách thức thực hiện các quyền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam cho các nhóm đối tượng yếu thế.

       

Thông qua Lớp tập huấn, các đại biểu và các giảng viên cùng trao đổi hai chiều về các kiến thức tổng quan và nâng cao về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về dùng tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình để bảo đảm và các lưu ý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm; quy trình và các lựa chọn phù hợp để vay vốn tại ngân hàng. Ngoài ra, các giảng viên cũng đã đưa ra các bài tập tình huống giả định để các học viên trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

       

       

Bế mạc Lớp tập huấn thử nghiệm, ông Nguyễn Hồng Hải thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP, sự tham gia của tích cực của các chuyên gia, các đại biểu và đóng góp những ý kiến chất lượng để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và nhóm chuyên gia tư vấn tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Sổ tay theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả của Sổ tay hoàn thiện kỹ năng trong tập huấn đối với cá nhân, tổ chức liên quan, phát huy tối đa hiệu quả đối với kết quả của dự án UNDP hỗ trợ.