Sáng ngày 22/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức khai mạc Lớp tập huấn thử nghiệm 02 ngày đối với Tài liệu đào tạo giảng viên nguồn về kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý.
Đối tượng tập huấn là đại diện một số đơn vị thuộc Bộ và đại diện những người trực tiếp làm công tác thống kê tư pháp của một số Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Tư pháp cấp xã của 6 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Yên Bái và Hà Tĩnh.
Mục đích của đợt tập huấn thử nghiệm lần này nhằm phát hiện các điểm chưa hợp lý, những nội dung cần bổ sung, điều chỉnh của Tài liệu để tiếp tục hoàn thiện trước khi triển khai chính thức trên thực tế.
Trong ngày đầu tiên của lớp tập huấn, các học viên đã được nghe giảng viên Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Viện trưởng Viện khoa học thống kê truyền đạt nhiều nội dung, kiến thức bổ ích về phân tích thống kê nói chung và phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở nói riêng. Các thuật ngữ chuyên môn về thống kê như: lượng tăng (giảm) tuyệt đối liên hoàn, lượng tăng (giảm) tuyệt đối định gốc, số bình quân trượt, số bình quân nhân, số bình quân gia quyền… và phương pháp tính các chỉ số này được giảng viên hướng dẫn thực hiện chi tiết. Các học viên cũng được thực hành làm bài tập, phân tích và đánh giá hiệu quả của một số chỉ tiêu cơ bản trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở như: số vụ việc tiếp nhận hòa giải, số vụ việc hòa giải thành, tỷ lệ hòa giải thành, tổ hòa giải và cơ cấu hòa giải viên, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Các nội dung về hướng dẫn phân tích thống kê trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và hướng dẫn khắc phục một số vướng mắc khi thực hiện phần mềm thống kê ngành Tư pháp sẽ được thực hiện trong ngày 23/9/2022.
Kết thúc ngày tập huấn đầu tiên, lớp tập huấn được đánh giá việc áp dụng kết hợp nhiều phương pháp tập huấn như: phương pháp động não, thảo luận nhóm, thảo luận chung, bài tập tình huống, hỏi - đáp và thuyết trình... đã thu hút được sự tham gia tích cực của học viên, tăng tính tương tác, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học viên, cần được tiếp tục phát huy. Về nội dung Tài liệu, một số học viên đề nghị Tài liệu nên bổ sung hướng dẫn về phương pháp tính số bình quân nhân, số bình quân gia quyền; phần các bài tập nên được thiết kế ngắn gọn hơn./.
Diệu Thúy