Khảo sát, lấy ý kiến về một số nội dung cơ bản phục vụ nghiên cứu, đề xuất SĐBS Luật Nuôi CN...

21/09/2022
Khảo sát, lấy ý kiến về một số nội dung cơ bản phục vụ nghiên cứu, đề xuất SĐBS Luật Nuôi CN...
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Luật Nuôi con nuôi (sửa đổi) theo Quyết định số 1116/QĐ-BTP ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Cục Con nuôi tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về một số nội dung cơ bản phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi tại địa bàn tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa từ ngày 13/9 đến ngày 15/9/2022.
Đoàn khảo sát do đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Con nuôi làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Sở Tư pháp tại mỗi địa phương trực tiếp làm việc với các công chức tư pháp - hộ tịch của các xã trên địa bàn một huyện do Sở Tư pháp đề xuất, lựa chọn, hai cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức họp liên ngành với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh. Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Công an tỉnh, và các cơ sở nuôi dưỡng để khảo sát một số nội dung cơ bản phục vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi. Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác kết hợp trao đổi, hướng dẫn về nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước cũng như trao đổi về tình hình giải quyết nuôi con nuôi nhằm thúc đẩy, khơi thông công tác này trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với Phòng Tư pháp huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào buổi sáng ngày 13/9 và Phòng Tư pháp huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa vào buổi sáng ngày 15/9 với sự tham gia của các công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn huyện, Đoàn khảo sát đã trực tiếp khảo sát, lấy ý kiến về một nội dung phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi. Nhân dịp này, Đoàn công tác cũng trao đổi, hướng dẫn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã về nghiệp vụ công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước, việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ và sổ đăng ký nuôi con nuôi, đồng thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.


Tại các cuộc họp liên ngành về tình hình giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài với sự tham gia của đồng chí Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa cùng với đại diện của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Công an tỉnh và các cơ sở nuôi dưỡng, Đoàn công tác ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn các tỉnh. Tuy nhiên, tại hai địa phương trên vẫn còn tồn tại tình trạng một số trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở trợ giúp xã hội (đặc biệt là các cơ sở tôn giáo) chưa được chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế. Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn đã đề nghị các cơ quan, ban ngành tại hai địa phương tăng cường, đổi mới phương thức phối hợp liên ngành, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nuôi con nuôi, chú trọng công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế và chuyển đổi các hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, trong đó có nuôi con nuôi, tránh để các trẻ em sống lâu dài ở cơ sở nuôi dưỡng. Cũng tại các buổi họp liên ngành, Đoàn khảo sát cũng tiến hành lấy ý kiến các cơ quan trên địa bàn tỉnh về một số nội dung phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi.

Theo chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà cho Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và người khuyết tật mẹ Terexa Calcutta (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 - tỉnh Thanh Hóa (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Hồi Long (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Đoàn đã trao đổi với Lãnh đạo Trung tâm/cơ sở trợ giúp xã hội về tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em. Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 47 đối tượng, trong đó có 22 đối tượng là trẻ em bị bỏ rơi, độ tuổi từ 16 tuổi trở xuống. Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và người khuyết tật mẹ Têrêxa Calcutta hiện đang nuôi dưỡng 37 trẻ em, trong đó chủ yếu là trẻ em bị khuyết tật nặng. Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 tỉnh Thanh Hóa hiện đang chăm sóc 175 đối tượng, trong đó có 25 trẻ là trẻ em mồ côi, khuyết tật). Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Hồi Long – Thanh Hóa hiện chăm sóc 12 trẻ em. Qua khảo sát, một số cơ sở nuôi dưỡng (đặc biệt là cơ sở tôn giáo) chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc rà soát, tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Trưởng đoàn cũng đề nghị các Trung tâm thường xuyên quan tâm, đánh giá việc trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi để có biện pháp chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế phù hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đồng thời đề nghị các cơ quan, ban ngành ở địa phương có biện pháp truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình, trong đó có hình thức nuôi con nuôi.


Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả tại các buổi làm việc của Đoàn và thấy rằng việc khảo sát, lắng nghe ý kiến trực tiếp tại cấp cơ sở là rất thiết thực, phục vụ tốt cho việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về nuôi con nuôi, đặc biệt là việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi, qua đó sẽ bảo đảm tính khả thi, sát với thực tế của các quy định pháp luật sửa đổi, bổ sung sau khi được ban hành. Hai Tỉnh đồng thời bày tỏ mong muốn Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp các cấp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở địa phương./.