Hoàn thiện Bộ TL tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực HGOCS và TGPL

20/09/2022
Hoàn thiện Bộ TL tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực HGOCS và TGPL
Ngày 19/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (gọi tắt là EU JULE), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Họp kỹ thuật góp ý hoàn thiện Bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý. Bộ tài liệu gồm 02 quyển: quyển 1 “Hướng dẫn phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý” dành cho học viên và quyển 2 “Phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý” dành cho giảng viên.
Phát biểu khai mạc Họp kỹ thuật, ông Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh mục đích của cuộc họp kỹ thuật để tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý và nhà hoạt động chuyên môn ở một số đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp địa phương nhằm hoàn thiện Bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý. Bộ tài liệu này sẽ là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các giảng viên nguồn về phương pháp tổ chức và đánh giá hiệu quả một lớp tập huấn, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng sư phạm để có thể truyền đạt tốt nhất kiến thức đến người được tập huấn.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thanh Vân, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đánh giá Bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về “kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý” phù hợp với mục tiêu của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”; nội dung của Bộ tài liệu có ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp ở Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình này, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp trong quá trình hoàn thiện Bộ tài liệu và triển khai các hoạt động có liên quan như tổ chức tập huấn thử, tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên nguồn và tập huấn thí điểm cho các cán bộ công chức làm công tác thống kê tư pháp tại một số địa phương.
Họp kỹ thuật cũng nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia góp ý độc lập, các nhà chuyên môn và các đại biểu tham dự. Các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao việc xây dựng Bộ tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về “kỹ năng phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý”. Những hướng dẫn trong Bộ tài liệu sẽ trang bị cho giảng viên nguồn các kiến thức, kỹ năng giảng bài và hướng dẫn sâu cho học viên những kiến thức, kỹ năng phân tích thống kê nói chung và phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý nói riêng. Bộ tài liệu sử dụng số liệu thống kê của ngành Tư pháp từ năm 2015 đến năm 2020, trong đó tập trung phân tích những số liệu quan trọng trong từng lĩnh vực. Lĩnh vực hòa giải ở cơ sở chủ yếu hướng dẫn phân tích thống kê về số vụ việc tiếp nhận hòa giải, số vụ việc hòa giải thành, tỷ lệ hòa giải thành, số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên và kinh phí hỗ trợ. Lĩnh trợ giúp pháp lý chủ yếu hướng dẫn phân tích thống kê về số vụ việc tiếp nhận, số vụ việc tham gia tố tụng, tỷ lệ hoàn thành trợ giúp pháp lý, số lượt người được trợ giúp pháp lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý tại cuộc họp kỹ thuật cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế của Bộ tài liệu như: Bộ tài liệu nên được cơ cấu lại theo hướng triển khai từng hoạt động cụ thể, chuyển phần kiến thức chung về phân tích thống kê lên trước, diễn giải dễ hiểu hơn các khái niệm thuật ngữ chuyên môn thống kê (lượng tăng (giảm) tuyệt đối liên hoàn, lượng tăng (giảm) tuyệt đối định gốc, số bình quân trượt…) và chỉnh lý công thức tính tỷ lệ hoàn thành trợ giúp pháp lý.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, nhất là kiến nghị Bộ Tư pháp và UNDP có kế hoạch hỗ trợ tập huấn Bộ tài liệu này tới người làm công tác thống kê tại các cơ quan tư pháp địa phương nhằm phát huy tối đa tác dụng của Bộ tài liệu.
Phát biểu bế mạc cuộc họp kỹ thuật, ông Phạm Văn Lâm cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia góp ý độc lập, nhà chuyên môn và các đại biểu tham dự. Những ý kiến đóng góp đã giúp nhóm chuyên gia chính và đơn vị chủ trì tiếp tục hoàn thiện hơn nữa Bộ tài liệu. Qua đó giúp hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn và cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện thống kê và phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý, góp phần tăng cường năng lực phân tích số liệu thống kê, từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng công tác của đơn vị, ngành, lĩnh vực, đồng thời giúp cho các nhà hoạch định chính sách có chất liệu nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan; giúp các nhà quản lý có giải pháp phù hợp hơn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với công tác Tư pháp nói chung, công tác thống kê, công tác hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý nói riêng trong thời gian tới./.
Diệu Thúy