Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành

03/11/2021
Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành
Thực hiện Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2021 (theo Quyết định số 210/QĐ-BTP ngày 08/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác truyền thông; đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác truyền thông tại một số bộ, ban, ngành, qua đó tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông tại các bộ, ban, ngành nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng trong thời gian tới, sáng nay (03/11), Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông và kinh nghiệm thực tiễn tại các bộ, ban, ngành”. Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp chủ trì Toạ đàm. Tham dự Tọa đàm còn có đại diện các bộ, ban, ngành và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Trong xã hội hiện đại, công tác truyền thông ngày càng thể hiện vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng. Truyền thông đã và đang đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Ở Việt Nam, công tác truyền thông, báo chí đã trở thành bộ phận hữu cơ, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng, với dân tộc Việt Nam, là công cụ đắc lực của Đảng với thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, phản ánh một cách chủ động và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, bám sát tiến trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác truyền thông, báo chí luôn được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và tổ chức thực hiện.
 

 
Trước yêu cầu phát triển của thực tiễn, Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo công tác truyền thông coi đây là công tác đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành. Với ý nghĩa đó, việc Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm là vô cùng cần thiết, là diễn đàn để các bộ, ban, ngành chia sẻ kinh nghiệm về cách thức nhằm cung cấp thông tin truyền thông một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất; góp phần tạo sự đồng thuận trong thực nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực chuyên sâu, có tính đặc thù riêng và gắn với yếu tố niềm tin công chúng. Thông tin tiền tệ, ngân hàng so với các lĩnh vực khác có tính nhạy cảm, lan truyền, phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Xác định vai trò và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hoạt động truyền thông chính sách để thực hiện mục tiêu nâng cao niềm tin công chúng, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và truyền thông giáo dục tài chính, phổ biến pháp luật theo quy định của pháp luật và các Đề án của Chính phủ .
Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, NHNN đã đẩy mạnh các chương trình truyền thông giáo dục tài chính để cung cấp thông tin, hướng dẫn các quy trình, lưu ý khi sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
NHNN luôn xác định hoạt động truyền thông là công cụ để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông giáo dục tài chính. Để thực hiện hiệu quả việc này, hoạt động truyền thông cần được đánh giá tổng quan trên các mặt: đặc điểm thông tin, nội dung truyền thông, nhóm công chúng mục tiêu, cách thức truyền tải thông điệp và tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả…
 

 
Chia sẻ về công tác truyền thông tại Bộ Tư pháp, đồng chí Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Truyền thông, Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, công tác truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp đã được chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: công tác truyền thông ngày càng đi vào nền nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; cơ sở pháp lý về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được hoàn thiện; việc thực hiện chế độ phát ngôn, cung cấp, xử lý thông tin báo chí, thông cáo báo chí ngày càng bài bản; các đơn vị thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền của Bộ ngày càng phát triển về quy mô số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả vai trò là những kênh thông tin đóng vai trò trụ cột, quan trọng trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động trong việc truyền thông đối với các hoạt động của đơn vị; các kênh phối hợp thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành cũng ngày càng được mở rộng; cách thức truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông của Bộ, ngành còn một số hạn chế, như: hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí chưa kịp thời, thiếu tính chủ động; ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác tiềm năng, hiệu quả truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội chưa được đẩy mạnh, đầu tư thực hiện...
 

 
Các đại biểu dự họp cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận, đồng thời lắng nghe một số tham luận quan trọng trong công tác truyền thông, như: Vai trò của cơ quan, báo chí và sự phối hợp giữa cơ quan báo chí với các bộ, ngành trong thực hiện công tác truyền thông; Yêu cầu đổi mới và tăng cường truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong bối cảnh hiện nay, Kinh nghiệm công tác truyền thông tại Bộ Y tế…