Ngày 30/10, Văn phòng Bộ Tư pháp đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm Truyền thông chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để tạo đồng thuận xã hội.
Tham dự Toạ đàm có bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); ông Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện báo chí và Tuyên truyền.
Giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách
Chia sẻ về thực trạng công tác truyền thông về chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL thời gian vừa qua, Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên cho biết, một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông định hướng, dẫn dắt dự thảo chính sách, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn bản.
Tuy nhiên, một số VBQPPL sau khi thông qua, ban hành chưa đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội. Vì vậy, việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” là rất cần thiết và cấp bách. Đây cũng là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì triển khai thực hiện trong Chương trình làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên cũng cho biết, Đề án là giải pháp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cần thực hiện có tính thí điểm nên Ban soạn thảo đã xác định chính sách quan trọng là các chính sách có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, áp dụng trên phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính cấp tỉnh. Hiện nhiều ý kiến đồng tình với cách xác định chính sách có tác động lớn đến xã hội bao gồm một số tiêu chí: (i) Là các chính sách trong các dự thảo VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo; (ii) Được Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh quyết định lựa chọn căn cứ vào yêu cầu thực tiễn. Thời điểm tiến hành truyền thông từ khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL.
Còn các chính sách khác thì các cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động tổ chức truyền thông trong quá trình xây dựng VBQPPL căn cứ vào tính chất, yêu cầu của chính sách song song với quá trình lấy ý kiến đối với đề xuất xây dựng VBQPPL và dự thảo văn bản.
Nâng cao chất lượng truyền thông chính sách
Ông Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, người làm công tác truyền thông chính sách phải có khả năng tham mưu cho chính quyền xây dựng các kế hoạch truyền thông bám sát cuộc sống của người dân và doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, phản ánh được ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, chính khách và nhân dân trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách.
Để làm được điều này, người làm truyền thông chính sách không chỉ có kỹ năng làm báo thông thường mà phải có kiến thức về chính trị, chính sách công, có phong cách làm việc sâu sát thực tiễn, gắn bó, đồng hành với người dân và doanh nghiệp và đặc biệt phải có kỹ năng sáng tạo các sản phẩm truyền thông đa phương tiện để thực hiện thông tin hai chiều giữa người dân và Nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Do đó, ông Lương Ngọc Vĩnh cho rằng, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông, các cơ quan ban hành chính sách cần chuyển tư duy từ tuyên truyền, PBGDPL sang truyền thông chính sách; Quốc hội và các cấp chính quyền cần tổ chức một bộ phận truyền thông chuyên nghiệp để truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt, Khoa Tuyên truyền và Học viện Báo chí sẽ phải tiếp tục hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo sau mỗi khoá học, đồng thời xây dựng được đội ngũ giảng viên tâm huyết, giỏi nghề để tăng tính thực tiễn của chương trình đào tạo.
Bà Lê Thị Thuý Sen thì chia sẻ NHNN đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hoạt động truyền thông chính sách để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả niềm tin công chúng; nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và truyền thông giáo dục tài chính, phổ biến pháp luật theo quy định của pháp luật và các Đề án của Chính phủ. Như phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để làm dễ hiểu hoá, đơn giản hoá các thuật ngữ chuyên ngành để công chúng dễ tiếp cận.
Có thể nói, NHNN rất chú trọng công tác truyền thông trước, trong và sau khi ban hành chính sách để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, việc xác định nhóm công chúng giúp NHNN lựa chọn kênh và phương thức truyền thông phù hợp, hướng tới mục tiêu thông điệp cần truyền tải sẽ đến được đối tượng cần tiếp nhận thông tin.
Chẳng hạn, để truyền tải và lan tỏa trong giới trẻ về sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN phối hợp với các trường THPT và Đại học để tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức tài chính ngân hàng như phối hợp trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Học viện Ngân hàng tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”. Hoặc khi cần phổ biến kiến thức cho người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng, NHNN phối hợp với VTV tổ chức chương trình gameshow “ Tiền khéo, tiền khôn” hoặc chương trình hoạt hình “Tay hòm chìa khóa”…
Các hoạt động truyền thông sẽ tập trung hướng tới giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Mục tiêu hướng tới là thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân.Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông PBGDPL và giáo dục tài chính, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai các chương trình truyền thông PBGDPL và giáo dục tài chính với các hình thức sáng tạo, phong phú, đổi mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam