Nhận diện khó khăn và các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác nuôi con nuôi khu vực phía Nam

02/11/2021
Nhận diện khó khăn và các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác nuôi con nuôi khu vực phía Nam
Sáng ngày 02/11/2021, Cục Công tác phía Nam phối hợp Cục Con nuôi tổ chức Tọa đàm “Nhận diện những khó khăn và các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác nuôi con nuôi tại khu vực phía Nam” với sự đồng chủ trì của ông Trần Hoài Phú – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và bà Phạm Thị Kim Anh – Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, cùng sự tham dự của 25 Sở Tư pháp khu vực phía Nam, các Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã (98 điểm cầu).
          Công ước La Haye năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong Nuôi con nuôi quốc tế (Công ước La Hay) ghi nhận: “Công nhận rằng, để phát triển hài hoà và toàn diện nhân cách của mình, trẻ em cần phải được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc yêu thương và cảm thông”. Thực tiễn chứng minh môi trường nuôi dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách trẻ em. Do đó, việc tạo ra một môi trường sống với điều kiện tối ưu cho trẻ em là hết sức cần thiết, nó góp phần hình thành nên lối sống, suy nghĩ, tư duy của mỗi trẻ em.
   
   

          Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhiều bậc cha mẹ đã không thể làm tròn nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của mình, nên xã hội nào cũng có trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, cần có người chăm sóc và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Để đáp ứng nhu cầu của các bên và xã hội, năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Nuôi con nuôi (có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2011).
Qua 10 năm thực hiện Luật, cũng bộc lộ ra những khó khăn, vướng mắc, những quy định cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế, nhất là tại khu vực phía Nam chiếm tới 75% trường hợp nuôi con nuôi diễn ra trên cả nước.
         Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Hoài Phú chia sẻ, từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước cơ bản được thực hiện theo quy định, đảm bảo về trình tự, thủ tục, việc lấy ý kiến của những người có liên quan. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước cũng như nước ngoài đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc: Một số quy định pháp luật về nuôi con nuôi chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, chưa đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; Thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn thời gian, chi phí; Số lượng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi hiện nay đang được các cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập, cơ sở thờ tự, tôn giáo tại các đô thị là khá lớn, nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như tìm gia đình thay thế cho trẻ tại những nơi này, nên mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước…
   
   

         Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả đạt được của các địa phương trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi nước ngoài; nguyên nhân của những vướng mắc, khó khăn; Công tác theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi trong nước và nước ngoài; Công tác giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi trong nước… Trên cơ sở kết quả đạt được, Tọa đàm trao đổi, thảo luận về những thông tin liên quan, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
 
 

          Đánh giá cao kết quả tổ chức Tọa đàm, bà Phạm Thị Kim Anh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu về khó khăn, vướng mắc trong thực tế tại địa phương làm cơ sở cho Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp tổ chức sắp tới và làm cơ sở để đề xuất sửa đổi Luật Nuôi con nuôi.
Minh Long