Trợ giúp pháp lý - nhân tố tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam

16/10/2021
Trợ giúp pháp lý - nhân tố tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam
Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là mục tiêu xuyên suốt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Trong những năm qua, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 2%/năm; giai đoạn 2016-2020, đưa tỷ lệ nghèo từ 9,9% năm 2016 còn 4,8% năm 2020 - đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.
Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam ra đời từ nhu cầu cần được giúp đỡ pháp luật của người nghèo và được hình thành, phát triển qua 24 năm với 02 lần xây dựng Luật và hoàn thiện thể chế. Có thể nói rằng, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những nhân tố tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam, góp phần bảo vệ quyền của người nghèo, “bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật” (Điều 2 Luật TGPL naăm 2017). Chính sách TGPL là một nội dung trong Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo đến 2010 (được Thủ tướng phê duyệt tại văn bản số 2685/VPCP-QHQT ngày 21/5/2002); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007); Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006); Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (được cụ thể hóa tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13).
Để triển khai nội dung trợ giúp pháp lý trong các văn bản trên, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/10/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg 24/12/2012 về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020. Từ năm 2016 đến nay, sau khi tích hợp 02 Quyết định nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Sau 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được sự hỗ trợ của ngân sách trung ương, các địa phương đã triển khai và đạt được một số kết quả chính như sau:
- Về hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình: Các địa phương thực hiện 13.071 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (tổng số vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trên toàn quốc từ 2016 – 2020 là 59.321 vụ) cho 12.965 lượt người được TGPL, trong đó: 1.727 người nghèo; 6.890 người dân tộc thiểu số (đa số là người nghèo)…. Chia theo lĩnh vực pháp luật thì pháp luật hình sự: 10.923 vụ, dân sự: 1.719 vụ, hành chính: 143 vụ và lĩnh vực khác: 101 vụ. Nhìn chung, các vụ việc TGPL cơ bản đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL (Theo thống kê, từ năm 2018 (năm Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực) đến hết năm 2020, 63/63 tỉnh, thành phố có 10.384 vụ việc thành công, hiệu quả, đa phần tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thuộc diện hỗ trợ của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg).
- Về các hoạt động khác: Hỗ trợ học phí cho 171 viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, tổ chức 159 lớp tập huấn với 15.640 người tham dự nhằm trang bị cho đội ngũ người thực hiện TGPL các kiến thức chuyên sâu về pháp luật cũng như kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực nhằm tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ở những nơi này còn được hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về TGPL nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người nghèo trực tiếp gọi đến yêu cầu TGPL để được tư vấn, hướng dẫn pháp luật và được thực hiện TGPL kịp thời. Ngoài ra, các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thực hiện hoạt động xây dựng, phát 20.000 chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã và tổ chức 6.090 đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở nhằm giúp người dân biết và sử dụng dịch vụ TGPL khi có yêu cầu. 
Với những hoạt động tích cực nêu trên đã giúp những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận, hiểu biết về các quy định của pháp luật về TGPL cũng như quyền được TGPL mà Nhà nước dành cho họ và kịp thời sử dụng TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Thông qua cơ chế hỗ trợ theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, các địa phương đã chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động TGPL trên địa bàn, nhất là việc bảo đảm thực hiện vụ việc TGPL tham gia tố tụng cho người dân, tránh bỏ sót đối tượng được TGPL khi họ có nhu cầu. Những kết quả trên đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo đầy đủ về mọi mặt cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, trong đó có bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật, đồng thời góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội và đoàn kết trong cộng đồng, thể hiện tính chất ưu việt của chế độ đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đến nay trải qua 02 lần xây dựng Luật và hoàn thiện thể chế, đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính vẫn luôn là đối tượng được quan tâm trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Như vậy, có thể thấy rằng, cùng với các khía cạnh khác của giảm nghèo bền vững, đa chiều, trợ giúp pháp lý ngày càng khẳng định vai trò của mình là một nhân tố tích cực trong công tác này tại Việt Nam.

 

Hiện nay, Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ đã qua giai đoạn thực hiện và đang trong quá trình xây dựng Nghị quyết mới để tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo trong thời gian tới. Theo quy định về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn mới (Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) dự kiến số lượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng khoảng 1,1 triệu hộ đối với cả hai loại hộ nêu trên (theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Do đó, số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý sẽ tăng lên tương ứng với mức tăng hộ nghèo/cận nghèo theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Với phương châm chung “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; đặt người nghèo ở vị trí chủ thể của công tác giảm nghèo, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng trợ giúp pháp lý cho người được TGPL, nhất là người nghèo, trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm nghèo bền vững giai đoạn mới thay thế Nghị quyết số 76/2014/QH13. Hiện Bộ Tư pháp đã có Tờ trình đề xuất được tiếp tục thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg trong thời gian chưa có Nghị quyết mới, bảo đảm tính tiếp nối, liên tục của chính sách. Việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg trong thời gian này là rất cần thiết để kịp thời hỗ trợ người được TGPL (chủ yếu là người nghèo) trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL  tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn khi họ không đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, uy tín của các cơ quan, tổ chức TGPL nhà nước, đội ngũ người thực hiện TGPL; đa dạng hóa cách thức truyền thông về TGPL, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL nhằm đơn giản hóa, giảm tải thủ tục hành chính cho người nghèo và đối tượng chính sách thuộc diện được TGPL; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (như cơ quan tiến hành tố tụng, đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng….) để giới thiệu, hỗ trợ người nghèo và người được TGPL khác tiếp cận dịch vụ TGPL, tránh bỏ sót người thuộc diện được TGPL có nhu cầu TGPL.

 
Hướng tới ngày Vì Người nghèo 17/10, Cục Trợ giúp pháp lý đã có Công văn số 356/CTGPL-CS&QLNV (ngày 10/8/2021), trong đó có chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hưởng ứng ngày Vì người nghèo năm 2021, theo đó chú trọng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng và các vụ việc liên quan đến chế độ chính sách, việc làm cho người được trợ giúp pháp lý.
Đến nay, sau hai tháng triển khai mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã nỗ lực, vượt khó khăn để trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng khác, đạt kết quả vụ việc tham gia tố tụng cụ thể như sau: Từ ngày 10/8/2021 – 10/10/2021, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc thực hiện 2.263 vụ việc tham gia tố tụng. Hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên; trong đó có 334 vụ việc có kết quả thành công, hiệu quả rõ rệt./.

Cục Trợ giúp pháp lý