Kiểm tra công tác pháp chế tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản

02/05/2021
Kiểm tra công tác pháp chế tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản
Tiếp nối chuỗi hoạt động kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp tại một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước về tình hình thực hiện công tác pháp chế và xây dựng pháp luật, ngày 29/4/2021, Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ) đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về việc thực hiện công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (VĐCXDPL), Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ (Văn phòng Chính phủ), Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) và đại diện lãnh đạo Vụ phụ trách công tác pháp chế; một số khách mời gồm Lãnh đạo Vụ Pháp chế - Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp), đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp); Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Công tác pháp chế, Vụ VĐCXDPL.
Về phía hai Tập đoàn, có sự tham gia của Phó Tổng giám đốc phụ trách công tác pháp chế (đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đồng chí Lê Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam); đại diện tổ chức pháp chế tại Tập đoàn (Ban Pháp chế và Kiểm tra, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Ban Kiểm tra - Pháp chế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), đại diện và người làm pháp chế tại các đơn vị, công ty con thuộc hai Tập đoàn.
Theo đại diện của hai Tập đoàn, công tác pháp chế được Lãnh đạo hai Tập đoàn quan tâm. Kết quả 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho thấy, tổ chức pháp chế và người làm pháp chế ở hai Tập đoàn đã phát huy được vai trò trong việc tham mưu cho người quản lý của hai doanh nghiệp về các khía cạnh pháp lý trong tổ chức và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác pháp chế đã đạt được nhiều kết quả thông qua việc tham mưu tham gia xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoặc có liên quan đến Tập đoàn; xây dựng các văn bản về quản trị nội bộ Tập đoàn; các vấn đề pháp lý về hợp đồng, dự án đầu tư và các khía cạnh khác trong sản xuất, kinh doanh; tham gia tố tụng; phổ biến, giáo dục về pháp luật… Pháp chế hai Tập đoàn đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác này, đặc biệt ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam công tác này được thực hiện khá nhịp nhàng.

Tuy nhiên, tại hai Tập đoàn, tổ chức pháp chế tại trụ sở Tập đoàn chưa phát huy hết vai trò là đơn vị đầu mối kết nối các tổ chức và người làm công tác pháp chế ở các đơn vị, công ty con trong Tập đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; số lượng người làm công tác pháp chế chuyên trách không nhiều, hay biến động; tiêu chuẩn, năng lực của một số người làm công tác pháp chế còn chưa đáp ứng; công tác phối hợp có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra…
Thay mặt Đoàn công tác liên ngành, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác pháp chế của hai Tập đoàn. Ghi nhận và khẳng định các đề xuất, kiến nghị của hai doanh nghiệp về công tác pháp chế, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định và nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
Để thúc đẩy công tác pháp chế của hai Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị Lãnh đạo hai Tập đoàn tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, bảo đảm nguồn lực cho công tác pháp chế; tạo điều kiện để cán bộ pháp chế chưa có bằng đại học luật đi học lớp văn bằng hai tại Đại học Luật Hà Nội; rà soát các văn bản có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tập đoàn, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp… để thúc đẩy công tác công tác pháp chế của doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Pha
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp