Kiểm tra, khảo sát về công tác pháp chế và xây dựng pháp luật tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

29/04/2021
Kiểm tra, khảo sát về công tác pháp chế và xây dựng pháp luật  tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tiếp nối hoạt động kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp tại một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước về tình hình thực hiện công tác pháp chế và xây dựng pháp luật, chiều ngày 27/4/2021, Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ) đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số lĩnh vực công tác tư pháp: pháp chế, xây dựng pháp luật và tình hình thực hiện Kết luận số 83-KL/TW, Quyết định số 04/QĐ-TTg và Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Vụ Pháp luật, Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ (Văn phòng Chính phủ), Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) và đại diện lãnh đạo Vụ phụ trách pháp chế, đại diện một số Phòng chuyên môn của Vụ Các vấn đề chung về XDPL. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, có sự tham dự của đồng chí Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các đồng chí lãnh đạo Vụ Pháp chế của Bộ và đại diện lãnh đạo một số tổ chức pháp chế thuộc Tổng Cục, Cục trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế của Bộ đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành Tài nguyên và Môi trường. Công tác pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm. Về tổ chức pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiện toàn Vụ Pháp chế thuộc Bộ, tại một số Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ cũng đã thành lập các tổ chức pháp chế (Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Quản lý đất đai; Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra thuộc Tổng cục Môi trường; một số đơn vị giao nhiệm vụ này cho Văn phòng thực hiện).
Về cơ bản, công tác pháp chế đã được triển khai tại tất cả các tổ chức pháp chế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị và các nhiệm vụ được giao tại các văn bản QPPL có liên quan. Việc phối hợp giữa các tổ chức pháp chế các đơn vị trực thuộc Bộ được thực hiện thường xuyên. Công tác xây dựng pháp luật, lập chương trình xây dựng văn bản QPPL và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã từng bước đi vào nề nếp. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, hợp nhất VBQPPL được triển khai nghiêm túc và từng bước phát huy hiệu quả. Công tác phổ biến, giáo dục đã được triển khai bài bản, với nhiều hình thức phổ biến pháp luật phong phú. Ngoài ra, tổ chức pháp chế còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như theo dõi thi hành pháp luật, bồi thường nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đầu mối thực hiện giám định tư pháp, đầu mối thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
 Tuy nhiên, công tác pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau: một số đơn vị chưa nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế, chưa coi trọng công tác này dẫn đến có nhiệm vụ xây dựng VBQPPL chưa có sự tham gia của tổ chức pháp chế. Việc thu hút người có trình độ đại học luật vào làm công tác pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn khó khăn, nhiều cơ quan, đơn vị có tình trạng công chức xin chuyển công tác ra khỏi tổ chức pháp chế; số lượng công chức làm pháp chế không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn…
Thay mặt Đoàn công tác liên ngành, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác pháp chế và xây dựng pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các đề xuất, kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác pháp chế, xây dựng pháp luật là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp trong quá trình tổng kết Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
 Để công tác pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản; tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong việc xây dựng các dự án Luật quan trọng để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Khoáng sản); khẩn trương rà soát, nghiên cứu, xác định các nội dung định hướng, các lĩnh vực cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình; đẩy nhanh tiến độ ban hành Kế hoạch phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021; hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; hoàn thiện Khung danh mục tham chiếu đánh giá tác động về xã hội và đánh giá tác động về giới trong xây dựng VBQPPL của Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Ngô Huyền, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật