Tiếp nối chuỗi hoạt động kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp tại một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước về tình hình thực hiện công tác pháp chế và xây dựng pháp luật, sáng ngày 28/4/2021, Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ) đã làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thực hiện công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) và đại diện lãnh đạo Vụ phụ trách pháp chế, đại diện một số Phòng chuyên môn của Vụ Các vấn đề chung về XDPL. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác liên ngành có Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, quyền Trưởng ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; Đại tá Phạm Hải Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Lăng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; cùng lãnh đạo và cán bộ các Đơn vị trực thuộc như: Văn phòng Ban Quản lý Lăng (Lãnh đạo Văn phòng và Phòng Pháp chế và Trang tin điện tử), Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng, Trung đoàn 375, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Theo đại diện của Ban Quản lý Lăng, công tác pháp chế được lãnh đạo Ban Quản lý Lăng coi trọng. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế của Ban quản lý Lăng đã đạt được nhiều kết quả, giúp tham mưu, hỗ trợ cho Lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng - cơ quan thuộc Chính phủ. Tại Văn phòng Ban Quản lý Lăng đã thành lập tổ chức pháp chế từ năm 2008, nay có tên gọi là Phòng Pháp chế và Trang tin điện tử có các công chức pháp chế chuyên trách. Tại hai đơn vị còn lại trực thuộc Ban Quản lý Lăng là Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình và Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường có cơ cấu cán bộ pháp chế kiêm nhiệm.
Công tác pháp chế đã được triển khai tại tất cả các tổ chức pháp chế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quy định của cơ quan thuộc Chính phủ tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Công tác tham gia xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, các ý kiến có giá trị đóng góp có giá trị với cơ quan chủ trì soạn thảo; tham mưu xây dựng các văn bản hành chính của Ban Quản lý Lăng. Công tác phổ biến, giáo dục đã được triển khai bài bản, với nhiều hình thức phổ biến pháp luật phong phú. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc… Ngoài ra, tổ chức pháp chế còn thực hiện những nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và được Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng giao.
Thay mặt Đoàn công tác liên ngành, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác pháp chế và xây dựng pháp luật của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đề xuất, kiến nghị của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác pháp chế là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp trong quá trình tổng kết Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
Để công tác pháp chế của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tổng kết, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất xây dựng Pháp lệnh Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Phòng Pháp chế và Trang tin điện tử; tạo điều kiện để cán bộ pháp chế chưa có bằng đại học luật đi học lớp văn bằng hai tại Đại học Luật Hà Nội; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ… để thúc đẩy công tác công tác pháp chế của Ban Quản lý Lăng…
Nguyễn Thị Pha, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật