Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp”

13/10/2020
Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp”
Ngày 09/10, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) và Trung tâm hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo do ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nhà nước có liên quan (Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản), đại diện một số cơ sở giảng dạy, cơ sở nghiên cứu, các công ty luật, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, bà Lưu Hương Ly, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp luật dân sự đã giới thiệu về Báo cáo về Môi trường kinh doanh (Doing Business) thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB); Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; yêu cầu đối với việc cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10) và một số giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua. Chỉ số A9 được đánh giá qua các tiêu chí như: thời gian giải quyết tranh chấp (tính kể từ khi nộp đơn cho Tòa án đến khi hoàn thành việc thi hành án), chi phí (phí luật sư, án phí, phí thi hành án), chỉ số chất lượng của quy trình xét xử (bao gồm cấu trúc của Tòa và quy đình tố tụng, quản lý vụ việc, tự động hóa Tòa án, giải quyết tranh chấp bằng phương thức thay thế). Chỉ số A10 được đánh giá qua các tiêu chí như: thời gian thu hồi nợ, chi phí để thu hồi nợ (lệ phí tòa án, phí luật sư, phí của thẩm định viên, phí của đấu giá viên và các khoản phí khác), kết quả (doanh nghiệp được phục hồi hay phải thanh lý tài sản), tỷ lệ thu hồi đối với chủ nợ có bảo đảm, chất lượng khung pháp lý về phá sản doanh nghiệp.
Tham dự Hội thảo, các chuyên gia đã có các bài tham luận về một số vấn đề nổi cộm, đưa ra một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và đề xuất cụ thể để nâng cao khả năng bảo đảm việc thực thi hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp theo các tiêu chí của Báo cáo Môi trường kinh doanh - Ngân hàng Thế giới; việc xử lý tài sản bảo đảm và giao dịch ngoại hối trong thủ tục giải quyết vụ việc phá sản; một số vấn đề cần lưu ý trong giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến giao dịch mua bán doanh nghiệp (M&A); một số vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài thương mại. Các đại biểu cũng đã tích cực tham gia thảo luận, đưa ra một số vướng mắc trong quy định của pháp luật và bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật mà cụ thể là thủ tục giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại (thủ tục tố tụng tại Tòa án, trọng tài, hòa giải, thi hành án,) và phá sản doanh nghiệp.
Lưu Bảo Phượng - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế