Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân quy định trong Hiến pháp năm 2013

12/10/2020
Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân quy định trong Hiến pháp năm 2013
Ngày 08/10/2020, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án “Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tài sản được giao dịch thông suốt, hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả” (Đề án) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và Tọa đàm trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật hợp đồng dân sự.
Hội thảo và Tọa đàm do ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì. Tham dự Hội thảo và Tọa đàm, về phía Nhật Bản có ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng Dự án JICA và ông Edagawa Mitsushi – Chuyên gia pháp lý của dự án JICA, đại diện cho Văn phòng dự án JICA tại Việt Nam. Các hoạt động thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện cho các Sở, ban ngành liên quan, đại diện các văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, các tổ chức tín dụng, các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo... trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án, các đại biểu đã được nghe đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trình bày dự thảo, trong đó đã đặt ra một số vấn đề cốt lõi như: sự cần thiết xây dựng Đề án trong bối cảnh hiện tại; thực trạng pháp luật và thi hành pháp luật về quyền sở hữu tài sản, tập trung vào việc đánh giá pháp luật về quyền sở hữu tài sản, thực tiễn thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản trong một số lĩnh vực trọng điểm (quyền sử dụng đất, nhà sở và bất động sản khác, tài sản sở hữu trí tuệ...), và lĩnh vực mới (tài sản mã hóa, về các đối tượng sở hữu trí tuệ do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, về dữ liệu cá nhân trên môi trường số) sau quá trình khảo sát tại một số địa bàn tỉnh: Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu... ; đồng thời đưa ra định hướng, nhiệm vụ, một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Các đại biểu tham dự tích cực tham gia góp ý dự thảo Đề án và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến pháp luật về quyền sở hữu tài sản việc áp dụng trên thực tế.
Tại Tọa đàm trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật hợp đồng dân sự, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng đã giới thiệu và đưa ra những vấn đề cần lưu ý khi giao kết, thực hiện hợp đồng và các giải quyết tranh chấp hợp đồng, về thực tiễn xét xử của Tòa án đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng, đồng thời đưa ra một số tình huống thực tế, cụ thể để trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Tọa đàm. Các đại biểu tham dự tích cực tham gia thảo luận, đồng thời nêu lên một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật hợp đồng trên thực tế và đưa ra một số kiến nghị.
Phát biểu kết thúc Hội thảo và Tọa đàm, lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cảm ơn ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu đối với dự thảo Đề án, từ đó Nhóm nghiên cứu Đề án sẽ nghiên cứu, phân tích có chọn lọc để hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cũng gửi lời cảm ơn sự có mặt của các đại biểu tham gia Tọa đàm trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật hợp đồng dân sự.
Lưu Bảo Phượng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế